Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đặc sản” núi lửa ở Indonesia

Dạ Khánh| 12/09/2018 06:06

(HNM) - Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, đất nước

Cụm núi lửa Bromo - Batok - Semeru chìm trong mây và sương sớm.



Khám phá vùng “đặc sản”

Indonesia có hơn 16.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó hơn 5.000 đảo có người sinh sống. Nơi đây có đến gần 130 núi lửa còn hoạt động. Tại Indonesia, rất nhiều hòn đảo của đất nước này được hình thành từ những đợt núi lửa phun trào từ hàng chục nghìn năm trước và Java chính là một trong những hòn đảo như vậy. Đây là hòn đảo lớn thứ 5 tại Indonesia, nhưng lại là đảo đông dân nhất, với 145 triệu người, chiếm đến 60% dân số Indonesia. Tại Java, có đến 38 ngọn núi lửa, tạo thành một xương sống theo hướng Đông - Tây. Núi lửa cao nhất tại Java là Semeru (cao 3.676m). Trong quần thể núi lửa Bromo, Batok, Semeru, Bromo là núi lửa có độ tuổi trẻ nhất. Bromo cao 2.329m, không phải là ngọn núi cao nhất, song là địa điểm an toàn nhất trong khu vực. Đó cũng là một trong những ngọn núi nổi tiếng nhất Indonesia, luôn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, khám phá.

Thực hiện kế hoạch thưởng thức “đặc sản” núi lửa, chúng tôi bay Hà Nội - Jakarta (Indonesia) rồi đón chuyến bay đến Surabaya - thành phố có diện tích và dân số đông thứ 2 Indonesia. Từ đây, chúng tôi thuê xe chạy thẳng tới Cemoro Lawang - thị trấn cao nguyên, cách Surabaya 80km. Đây là địa điểm gần nhất để chinh phục và khám phá cụm núi lửa Bromo, Batok, Semeru. Thời tiết Indonesia quanh năm nắng nóng, thế nhưng giống như Đà Lạt (Việt Nam), không khí tại Cemoro Lawang thật trong và mát lạnh vào ban ngày. Ban đêm và sáng sớm, nhiệt độ xuống rất thấp nên chúng tôi phải mặc thêm áo ấm.

Bình minh trên vùng núi lửa là một trong những cảnh đẹp không ai muốn bỏ qua khi tới nơi này. Vì vậy, khi đặt xe Zeep cho chuyến đi khám phá núi lửa ngày hôm sau, nhân viên khách sạn dặn dò cẩn thận: “Đúng 4h sáng xe xuất phát!”. Sớm hôm sau, đúng giờ chúng tôi tề tựu đầy đủ trước cửa khách sạn rồi vào một trong những chiếc xe Zeep đang đậu hàng dài bên con đường chính của thị trấn cao nguyên. Trời lúc này vẫn tối đen, song đã có khá nhiều xe xuất phát. Xe nọ nối đuôi xe kia tiến về hướng khu bảo tồn thiên nhiên Bromo.

Ngồi lắc lư trên xe, tôi chỉ nhìn thấy điểm sáng là những chiếc đèn pha ô tô rọi phía trước. Sau khoảng một tiếng đồng hồ ngồi trên xe, trải nghiệm nhiều kiểu địa hình: Từ đường đồi núi, đường bằng, đến các khúc cua tay áo, xe leo và dừng ở lưng chừng núi. Từ đây, chúng tôi cuốc bộ thêm khoảng 20 phút nữa mới đến đỉnh Penanjakan (2.770m) - đây là địa điểm đẹp có thể ngắm mặt trời dần hiện lên trên ngọn Bromo, Batok và Semeru đối diện ngay bên kia thung lũng.

Khi chúng tôi leo đến nơi, điểm này đã đông kín người. Những người đến sớm chọn được cho mình vị trí tốt nhất để đặt chân máy, sẵn sàng ghi lại khoảnh khắc bình minh ngày mới.

Sau khoảng 30 phút chờ đợi, mặt trời mới thức giấc. Bầu trời ửng lên những vạt cam, hồng. Ngọn Bromo, Batok, Semeru đang chìm trong sương sớm; ẩn hiện dưới những đám mây trắng trôi bồng bềnh, cảnh tượng tưởng chỉ có ở chốn bồng lai...

Chênh vênh trên miệng núi lửa

Khi bầu trời sáng rõ với tia nắng mai rót những dải lụa vàng phủ khắp quần thể núi lửa Bromo, Batok, Semeru, chúng tôi tranh thủ nán lại tìm vài góc ảnh chụp “đánh dấu”, rồi xuống núi, lên xe Zeep tiếp tục hành trình khám phá, chinh phục đỉnh núi lửa Bromo. Xe băng qua biển cát - thung lũng phủ đầy tro xám đen là nham thạch được phun ra từ núi lửa, nằm lọt thỏm giữa các dãy núi, rồi đỗ lại tại một điểm dưới thung lũng. Từ đây, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ (có người thuê ngựa), mất chừng 30 phút mới tới gần chân núi. Để leo lên miệng núi lửa, tận mắt chứng kiến những cuộn khói nhả ra từ miệng núi, còn phải leo thêm hơn 200 bậc thang dốc đứng nữa.

Rời bậc thang cuối cùng cũng là lúc chúng tôi “hưởng” trọn vẹn cái mùi lưu huỳnh hăng hắc từ đợt nhả khói của Bromo xộc thẳng lên mũi. Cổ họng khét rẹt, cảm giác rất khó thở. Sau vài phút “làm quen” với hơi nóng của bầu không khí trên này, cảm giác khó chịu cũng dần vợi đi. Lúc này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến miệng núi lửa sâu hoắm nằm giữa lòng chảo rộng cả cây số. Quanh miệng núi lửa, người ta cho dựng hàng rào bê tông che chắn cẩn thận để bảo đảm an toàn, chừa lại con đường nhỏ cho du khách đi quanh khám phá. Tận mắt chứng kiến núi lửa đang hoạt động với miệng rộng và sâu, bên trong đang sôi sùng sục những dòng nham thạch đỏ rực, phì phì nhả lên từng đợt khói hắc, khét rẹt cổ họng... mới thấy sức mạnh của thiên nhiên lớn đến nhường nào.

Đứng trên đỉnh Bromo, ngay sau lưng chúng tôi là núi lửa Batok hiện lên thật rõ nét. Khác với Bromo, núi lửa Batok đã không còn hoạt động, song thân núi vẫn còn nguyên những đường rãnh hình răng cưa chạy dọc từ đỉnh núi xuống chân. Đó là "sản phẩm" từ những đợt phun trào nham thạch mà thành. Giờ đây, các rãnh này được bao phủ bởi các loài cây cỏ xanh ngắt. Nằm xa hơn là núi lửa Semeru - được xếp vào loại hoạt động mạnh nhất ở Indonesia. Cứ 20 phút, Semeru lại nhả ra một đám khói bụi khổng lồ, đôi khi có cả tro và đá núi lửa.

Đứng trên đỉnh Bromo, ngay kề bờ vực núi lửa, tận mắt chứng kiến cũng như nghe tiếng ùng ục, thi thoảng là tiếng nổ phát ra từ trong lòng núi; dõi mắt ra tứ phía, ngắm trọn khung cảnh mây, núi quyện hòa và bao trọn thung lũng dưới chân, cảm giác thích thú khó tả. Thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng tạo ra những cảnh quan kỳ vĩ biết bao. Và người Indonesia đã biết khai thác những bất lợi của động đất, núi lửa để biến thành “đặc sản” du lịch khó quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đặc sản” núi lửa ở Indonesia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.