Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châm ngòi “cuộc chiến tiền tệ toàn cầu”?

Đình Hiệp| 01/02/2016 06:35

(HNM) - Một năm sau khi Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất tiền gửi từ -0,2% xuống -0,3% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozon), cuối tuần qua Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có bước đi tương tự. Theo đó, BOJ áp dụng chính sách lãi suất âm đối với tiền gửi của các ngân hàng thương mại.

BOJ thực hiện chính sách lãi suất âm để kích thích tiêu dùng của người dân.


Sự kiện đồng yên giảm giá mạnh nhất trong hơn một năm qua sau khi Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda bất ngờ thông qua lãi suất âm khiến dư luận quan ngại về nguy cơ bùng nổ một "cuộc chiến" phá giá tiền tệ toàn cầu trong tương lai gần. Bước đi của BOJ được thực hiện trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang chịu áp lực trước những lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm do chi tiêu cá nhân - lĩnh vực chiếm tới 60% GDP của Nhật Bản - giảm sút trong một mùa đông bất thường và nhiều công ty vẫn thận trọng khi đầu tư.

Vì thế, BOJ đã buộc phải hoãn thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2% cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sang 6 tháng đầu của tài khóa 2017 (bắt đầu từ tháng 4-2016) do giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tiếp tục giảm. Lạm phát thấp tạo nguy cơ giảm phát khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu với kỳ vọng giá cả còn giảm thêm. Điều này có thể khiến kinh tế Nhật Bản tiếp tục trì trệ. Dự kiến, CPI của Nhật Bản trong tài khóa 2016 sẽ chỉ tăng 0,8%. Trước những thách thức trên, quyết định thực hiện chính sách lãi suất âm của BOJ được đưa ra với tài khoản tiền gửi của các tổ chức tài chính là nhằm hoàn thành mục tiêu lạm phát đề ra là 2% trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo quyết định mới nhất của BOJ, Nhật Bản sẽ áp dụng mức lãi suất -0,1% với mức tiền gửi mà các tổ chức tài chính gửi tại BOJ. Không dừng lại ở đó, BOJ sẽ tiếp tục hạ lãi suất nếu cần thiết nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính hay ngân hàng thương mại tăng cường cho vay và đầu tư. Chính sách lãi suất âm sẽ được áp dụng kể từ tháng 2 tới. Đồng thời, với hạ lãi suất về dưới 0%, BOJ cam kết sẽ tăng thêm cơ số tiền tệ mỗi năm 80 nghìn tỷ yên, tương đương 677 tỷ USD. Việc bơm tiền này chủ yếu thông qua mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản, chứng chỉ quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và chứng chỉ các quỹ đầu tư bất động sản.

Sự kiện BOJ thực hiện chính sách lãi suất âm được xem là biện pháp mạnh tay nhằm kích thích tăng trưởng và đạt mục tiêu lạm phát. Theo nhận định của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, mục tiêu đạt mức lạm phát bền vững hiện vẫn là thách thức lớn trong bối cảnh tiền lương ở Nhật Bản tăng chậm và giá dầu thế giới giảm sâu. Thế nhưng, việc đồng yên giảm so với tất cả 16 đồng tiền chủ chốt sau quyết định của BOJ nằm ngoài dự đoán của hầu hết giới phân tích.

Quyết định của BOJ đã đặt dấu chấm hết cho đà tăng mạnh nhất của đồng yên kể từ khi Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nhậm chức vào năm 2013. Động thái này của BOJ càng làm tăng nỗi ám ảnh về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác khi nền kinh tế được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu hơn nhằm kích thích tăng trưởng và lạm phát. Nhận định này càng có cơ sở khi nhiều nền kinh tế khu vực Châu Âu như Thụy Sĩ, Thụy Điển đã giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 0%; và ECB dự kiến sẽ xem xét lại chính sách tiền tệ một lần nữa vào tháng 3 sắp tới.

Sau động thái bất ngờ của BOJ, đồng USD tăng giá mạnh. Hành động của BOJ đưa ra dự báo về một dòng tiền lớn sẽ chảy khỏi Nhật Bản và đổ vào Mỹ. Ngoài ra, lãi suất âm cũng được cho là sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng yên Nhật như một kênh trú ẩn an toàn. Không những thế, quyết định của BOJ còn làm gia tăng mạnh mẽ niềm tin rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vẫn đang rất cẩn trọng với đà tăng trưởng chậm như hiện nay của nền kinh tế. Cùng chung quan điểm, Trưởng nhóm Nghiên cứu tiền tệ tại Ngân hàng Đầu tư Credit Agricole SA trụ sở London (Anh) Valentin Marinov cho rằng: "BOJ đã quay trở lại với cuộc chiến tiền tệ toàn cầu với một phát súng đầy bất ngờ. Vì thế, ECB có thể phải giảm lãi suất một lần nữa vào cuộc họp tháng 3 tới đây".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châm ngòi “cuộc chiến tiền tệ toàn cầu”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.