Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp Việt tại Châu Âu: Kết nối để vượt khó

Quế Trân| 25/09/2016 06:55

(HNM) - Từ ngày 16 đến 18-9, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu đã được tổ chức tại thủ đô Budapest (Hungary).


Nhiều chính khách EU tham gia diễn đàn.


250 đại biểu và khách mời từ hơn 20 nước Châu Âu và trên thế giới đã tham dự diễn đàn với chủ đề thảo luận chính là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Theo nhận định của các doanh nhân Việt ở Đông Âu, giới kinh doanh tại các nước Châu Âu đã có gần một thập niên rưỡi “vàng son” khi Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia... mới thoát khỏi nền kinh tế tập trung để chuyển sang mô hình kinh tế thị trường. Đó là khoảng thời gian mà hàng hóa còn khan hiếm do thị trường còn ảnh hưởng của lối sản xuất và phân phối theo kế hoạch, bà con người Việt, dù là tiểu thương hay buôn bán lớn, có rất nhiều cơ hội để tiêu thụ những mặt hàng chất lượng vừa phải, chưa đòi hỏi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Tuy nhiên, kể từ khi nhiều quốc gia Đông, Trung Âu gia nhập EU vào năm 2004, các quốc gia tại đây phải hoàn thiện hệ thống luật pháp nghiêm ngặt với nhiều quy định nghiêm túc về thuế, chất lượng sản phẩm, điều kiện kinh doanh... Các công ty đa quốc gia ồ ạt xâm chiếm thị trường Đông Âu với các hệ thống bán lẻ mọc lên như nấm trong thời gian ngắn. Sự cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp Việt, thậm chí cả doanh nghiệp bản địa phải phá sản, giải thể, hoặc hoạt động cầm chừng. Khi không còn cảnh khan hiếm về hàng hóa mà ngược lại, khách hàng có thể lựa chọn đủ các loại hàng tại các trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán và giải trí cho cả gia đình, đó cũng là lúc chợ Việt không còn là sự lựa chọn phổ biến. Thị trường Đông Âu, như nhận xét của một doanh nhân Việt, đã hoàn toàn nằm trong tay những “cá lớn” phương Tây. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của người Việt ở Đông Âu còn bị hạn chế và cản trở do sự thiếu hiểu biết về các luật lệ có liên quan, chưa có trình độ quản lý nhân công thích hợp và còn thiếu sáng tạo, ít tìm tòi cho mình một mô hình kinh doanh riêng,...

Đương nhiên, bên cạnh những khó khăn ấy, vẫn có những cơ hội dành cho những ai có trình độ và khả năng thay đổi, sáng tạo, khi cả Châu Âu đã thống nhất trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn và hàng hóa lưu thông không biên giới. Về những lợi thế của các doanh nghiệp Việt kiều ở Châu Âu có thể sở hữu do EVFTA mang lại, ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Hungary, nhấn mạnh: "EVFTA đưa đến cơ hội lớn cho tất cả doanh nghiệp các bên. Chúng tôi sẽ tận dụng những cơ hội mà hiệp định mang lại để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu cũng như khuyến khích các doanh nghiệp ở Châu Âu đầu tư về Việt Nam”. Còn Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Pháp Nguyễn Hải Nam cho rằng: “Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu có lợi thế lớn trong việc tìm hiểu và tiếp cận cả hai thị trường Việt Nam và Châu Âu nên có thể thúc đẩy kinh doanh, đầu tư ở cả hai chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang Châu Âu lẫn đầu tư từ Châu Âu về Việt Nam”.

Đáng chú ý, trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu thứ 10 này, lần đầu tiên có sự liên kết với doanh nghiệp Việt kiều trẻ thông qua sự hiện diện của Liên hiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Châu Âu (EViYBA). Tổ chức này đặt mục tiêu tiếp nối, duy trì và kế thừa những kinh nghiệm của thế hệ doanh nhân đi trước với tư duy và cách làm việc mới của thế hệ trẻ, sở hữu những kiến thức, lợi thế về ngôn ngữ và hội nhập.

Có thể thấy, hoạt động của Liên hiệp Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu đang ngày càng đi vào thực chất, thúc đẩy không chỉ khối đoàn kết cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài mà còn giúp nhau cùng phát triển, đóng góp xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp các nước sở tại và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Việt tại Châu Âu: Kết nối để vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.