Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làn sóng các cửa hàng không người bán ở Trung Quốc

Theo Nhân dân| 01/01/2018 15:48

Hàng loạt các hãng công nghệ của Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội và nhanh chóng cho ra đời các chuỗi cửa hàng sử dụng các công nghệ thanh toán tự động để thay thế cho các nhân viên bán hàng.

Một cửa hàng không người bán của BingoBox ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: SMCP)


Nếu chỉ nhìn qua, người ta sẽ chẳng thấy gì bất thường tại các cửa hàng tiện ích của BingoBox cả. Cũng là các giá hàng xếp đầy các loại hàng tạp hóa dọc theo các bức tường, thu hút khách hàng qua các khung kính cửa sổ. Nhưng khi xem xét kỹ, rõ ràng BingoBox không phải là một cửa hàng thông thường. Khách hàng chỉ mở được cửa ra vào bằng cách đưa vào máy quét một mã vạch QR. Và trong cửa hàng cũng không hề có bất cứ nhân viên tính tiền nào, mà chỉ có một quầy thanh toán ở một góc cửa hàng.

Công ty có trụ sở ở Thượng Hải này là một trong những công ty đang mở ra hàng loạt các cửa hàng không có người bán trên khắp Trung Quốc, với hy vọng việc cắt giảm chi phí nhân công sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận kinh doanh bán lẻ. Andrew Song, một nhà phân tích của hãng Guotai Junan Securities nhận định: “Nếu chi phí về vốn tăng nhanh sẽ gây ra sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp như các cửa hàng tiện ích và siêu thị. Tại Trung Quốc, chi phí về lương và nhân lực đang gia tăng tương đối nhanh”.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để có thể viễn cảnh mua sắm mà không cần nhân viên thanh toán trở nên quen thuộc và phổ biến.

Bên trong một cửa hàng không có người bán của BingoBox. (Ảnh: SMCP)


Một phóng viên của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) khi vào thăm một cửa hàng BingoBox ở Thượng Hải đã bị khóa ở bên trong khi định rời khỏi cửa hàng mà không mua gì cả. Mặc dù ở cửa ra vào có một bảng hiệu nói rằng khách hàng không mua gì có thể rời đi bằng cách quét một mã QR, nhưng phóng viên này không thể tìm thấy mã QR nào cả. Những cuộc gọi liên tiếp tới đường dây nóng trung tâm hỗ trợ khách hàng thì không có ai trả lời.

Take Go, một hãng điều hành các cửa hàng không người bán khác ở Trung Quốc, chỉ có thể phục vụ một khách hàng mua sắm trong cửa hàng tại một thời điểm bởi các hạn chế về công nghệ trong việc sử dụng nhiều máy quay để quét hình ảnh mặt khách hàng.

Ý tưởng về các cửa hàng không người bán đầu tiên gây được sự chú ý trên thế giới vào tháng 12-2016 khi nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất nước Mỹ Amazon ra mắt cửa hàng Amazon Go không cần nhân viên thanh toán đầu tiên. Kể từ đó, hàng loạt các công ty công nghệ ở Trung Quốc, bao gồm cả tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma, đã mở các phiên bản cửa hàng không người bán của riêng mình.

Được trang bị các công nghệ như thẻ RFID, các hệ thống thanh toán đi dộng và nhận dạng cử động và khuôn mặt, những cửa hàng này thu thập một khối lượng lớn dữ liệu giúp các công ty điều hành có được những thông tin đầy đủ hơn về các thói quen mua sắm và sở thích của khách hàng. Từ những dữ liệu này, họ có thể tối ưu hóa hoạt động và đưa ra các quyết định nhập hàng hóa hữu hiệu hơn.

Đối với các công ty như BingoBox, chi phí hoạt động thấp cũng đồng nghĩa với việc họ có thể mở rộng hoạt động tới các khu vực ít người sinh sống, theo ông Chen Zilin, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty này.

Trong số hàng loạt các cửa hàng không người bán ở Trung Quốc, BingoBox là cái tên nổi bật trong ngành công nghiệp, thu hút được 100 triệu NDT (tương đương 15 triệu USD) trong đợt gây quỹ hồi tháng 7 và mở gần 200 cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Công ty này đang có kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế vào năm tới.

Ông Chen Zilin, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành BingoBox. (Ảnh: SMCP)


Ông Neil Wang, chủ tịch chi nhánh Trung Quốc của hãng nghiên cứu Frost & Sullivan cho biết: “Các chủ sở hữu, nhà đầu tư và nhà điều hành nhận thấy các cửa hàng không người bán dễ quản lý hơn về các yếu tố chi phí thấp, có thể thu thập các dữ liệu tài chính và hàng hóa theo thời gian thực. Hàng hóa cho những người mua bán nhanh sẽ rất phù hợp đối với các cửa hàng không người bán, nơi những giao dịch mua bán trực tiếp cần giảm thiểu sự can thiệp của con người”.

Mặc dù mô hình sáng tạo của BingoBox phần nào đã thu hút được nhiều sự khen ngợi, nhưng những người chỉ trích cho rằng việc người mua phải tiến hành thao tác bắt buộc trong quá trình mua hàng trong thực tế đã khiến việc mua sắm ở đây trở nên ít thuận tiện hơn so với các cửa hàng truyền thống.

Ông Anderson Chen, giám đốc điều hành công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo DeepBlue Technology, tin rằng để có thể cất cánh, các cửa hàng không người bán cần phải trở nên thuận tiện hơn so với các cửa hàng truyền thống có nhân viên bán hàng.

Công ty của ông Chen đã phát triển được một hệ thống trí tuệ nhân tạo có tên là Quixmart. Hệ thống này cho phép khách hàng lựa chọn các mặt hàng trong cửa hàng rồi rời đi mà không cần tới tiến trình thanh toán bình thường, một mô hình tương tự như Amazon Go.

Trả lời phỏng vấn bên lề cuộc hội thảo TechCrunch Shanghai 2017, ông Chen nói: “Giờ đây, khi bạn mua hàng hóa tại một cửa hàng, bạn phải lựa chọn mặt hàng bạn muốn mua và sau đó trả tiền ở quầy thanh toán, có thể phải chờ đợi trả tiền thừa hay quét mã QR để thanh toán. Như thế là bạn đã phải thực hiện từ ba tới bốn thao tác”.

Ông khẳng định “khách hàng sẽ không vào mua hàng tại một cửa hàng không người bán nếu cửa hàng này buộc họ phải thực hiện nhiều thao tác hơn so với cửa hàng có người bán truyền thống, vốn có chủng loại hàng hóa phong phú hơn. Dù bạn mở loại cửa hàng không người bán nào, hay sử dụng công nghệ nào, bạn phải tự đặt câu hỏi rằng nếu đặt cửa hàng của bạn cạnh một cửa hàng tiện ích có người bán truyền thống, bạn có tự tin rằng khách hàng sẽ lựa chọn cửa hàng của bạn?”.

Các chuyên gia cho rằng để thu hút khách hàng, các cửa hàng không người bán cần phải thuận tiện hơn các cửa hàng tiện ích truyền thống. (Ảnh: SMCP)


Được sự hỗ trợ của công ty tài chính Yunfeng Capital của tỷ phú Jack Ma, DeepBlue Technology đã cung cấp miễn phí công nghệ Quixmart cho các công ty bán lẻ. Tuy nhiên, các công ty bán lẻ này phải cho phép DeepBlue Technology tiếp cận các dữ liệu đã thu thập được, từ đó cải thiện hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận biết các biểu cảm khuôn mặt của khách hàng.

Còn công ty sở hữu thương hiệu và các cửa hàng Take Go, có trụ sở cũng tại Thượng Hải, sử dụng công nghệ nhận dạng vân lòng bàn tay để cho phép khách hàng mở khóa vào cửa hàng, và tự động ghi nợ số tiền mua hàng vào tài khoản thanh toán của khách hàng.

Công ty này đã ký một thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Hàng Châu Wahaha, nhà sản xuất rượu bia lớn nhất Trung Quốc, để mở 100.000 cửa hàng Take Go không người bán trên khắp đất nước trong vòng ba năm tới. Trong thập kỷ tới, Wahaha và DeepBlue hy vọng sẽ mở được khoảng một triệu cửa hàng.

Ông Chen nói: “Trong vòng một tới hai năm, số dữ liệu mà chúng tôi có được thậm chí có thể vượt qua WeChat. Bởi hàng ngày có rất nhiều người mua các mặt hàng, và với tất cả những dữ liệu này, công nghệ của chúng tôi sẽ trở thành công nghệ nhận dạng khuôn mặt có độ chính xác cao nhất”.

Trong khi những nhà sáng lập của cả BingoBox và DeepBlue đều tin rằng các cửa hàng không người bán sẽ là tương lai của ngành bán lẻ, các nhà phân tích khẳng định sẽ không có một mô hình “phù hợp cho tất cả” đối với ngành bán lẻ.

Ông Tom Birtwhistle, giám đốc tư vấn của PwC nói: “Các cửa hàng không người bán, và các giải pháp dịch vụ khách hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo khác, sẽ đóng một vai trò trong đề xuất giá trị tổng thể của ngành bán lẻ, nhưng chúng sẽ tồn tại song song với các mô hình trải nghiệm khách hàng hiện có”.

Ông cho rằng, mục tiêu của những cửa hàng không người bán là loại bỏ sự va chạm và tăng năng suất. Với một số danh mục bán lẻ như hàng tạp hóa tiện ích hay đồ ăn nhanh, việc giảm tối đa thời gian tại cửa hàng có vai trò rất quan trọng. Đối với những mặt hàng khác, thí dụ như đồ xa xỉ, thời gian trải nghiệm tại cửa hàng và dịch vụ khách hàng là các phần thực tế trong đề xuất giá trị.

Ông Chen cũng thừa nhận rằng sẽ rất khó để có được một công nghệ cho một trải nghiệm “chọn hàng và đi” trong một cửa hàng lớn như một siêu thị. Trong một kịch bản có đông khách hàng, nơi rất nhiều người cùng một lúc nhặt các mặt hàng từ các kệ hàng hoặc đi qua lại giữa các quầy hàng, hiện vẫn chưa có công ty nào tìm ra được phương thức để nhận diện chính xác các cử động của khách mua hàng.

Ông Chen cho biết công nghệ hiện chỉ có thể xử lý chính xác được đối với một hoặc một số ít người mua hàng đồng thời. Các cửa hàng Take Go hiện chỉ cho phép một khách mua hàng ở một thời điểm.

Và khi được hỏi về vấn đề mà phóng viên của SMCP gặp phải khi bị khóa trong cửa hàng, một người phát ngôn của BingoBox nói rằng họ sẽ kiểm tra lại cửa hàng để bảo đảm rằng mọi thứ vẫn hoạt động tốt. Người phát ngôn này nói: “Cửa hàng đó mới được mở gần đây. Có thể trung tâm dịch vụ khách hàng quá bận ở thời điểm đó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làn sóng các cửa hàng không người bán ở Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.