Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì khi con bị thiếu máu?

Thu Trang| 10/04/2017 07:17

(HNM) - Theo số liệu điều tra quốc gia mới nhất về vi chất dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) công bố, có gần 1/3 số trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu, tỷ lệ cao nhất thuộc về nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi. Đáng chú ý, ngay cả con nhà khá giả ở khu vực thành thị cũng bị thiếu máu,

Cân bằng thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Anh Tuấn


Thiếu máu dù không thiếu ăn

Hằng tuần, phòng khám và tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng đón khoảng 600-700 lượt bệnh nhi đến khám về các vấn đề liên quan đến thiếu vi chất dinh dưỡng. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng) cho biết, nhiều gia đình ở thành thị có điều kiện kinh tế, họ không tiếc tiền mua cho con sữa nhập khẩu, đủ loại thực phẩm bổ dưỡng như hải sản, chim bồ câu, cá, thịt, trứng, phô mai... nhưng nhiều trẻ vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt.

Có thể dẫn ví dụ về điều nói trên. Như trường hợp bé Nguyễn Thanh Hải (5 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ chăm bẵm, cho dùng rất nhiều thực phẩm bổ dưỡng. Thế nhưng, ở lần vào bệnh viện mới đây, bố mẹ mới "tá hỏa" khi bác sĩ cho biết bé Hải bị thiếu máu do cơ thể thiếu sắt khá trầm trọng. Mẹ bé Hải không tin vào kết luận của bác sĩ, cho rằng con chị được tẩy giun theo định kỳ, được tẩm bổ không thiếu thứ gì, cháu ăn uống rất tốt chứ không hề lười ăn, làm sao mà thiếu máu, thiếu sắt được.

Trường hợp của bé Hải không phải là hiếm gặp. Chị Thu Hằng (ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) thấy con trai 3 tuổi bị sốt cao hơn 39 độ kèm theo ho, sổ mũi nên đưa con đi khám. Ngoài kiểm tra tai - mũi - họng, bác sĩ còn chỉ định làm thêm xét nghiệm máu vì thấy da bé hơi xanh. Kết quả là bé bị thiếu huyết sắc tố, thiếu máu. Chị Thu Hằng chia sẻ: "Tôi nghĩ trẻ con bị thiếu máu, thiếu sắt là do giun, do ăn ít, ăn không đủ chất. Và chỉ ở những vùng nông thôn, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn thì trẻ mới rơi vào tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt. Con trai tôi vẫn ăn uống rất tốt, sao lại bị thiếu chất?".

Lý giải về việc trẻ ăn nhiều, tăng cân mà vẫn bị thiếu máu, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, tỷ lệ trẻ ở thành thị thiếu máu lên tới 22,2%. Nguyên nhân hay gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt. Hiện tỷ lệ trẻ thiếu máu do thiếu sắt là hơn 63%. Việc cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ là rất quan trọng. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng sắt từ bữa ăn của người Việt Nam chỉ thỏa mãn 30-50% nhu cầu về chất này. Trên thực tế, kết quả khám chữa bệnh cho thấy, có những trẻ là con nhà giàu được cung cấp dư thừa thịt, cá, trứng, sữa nhưng lại thiếu rau xanh, củ, quả và điều đó đã ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt trong cơ thể.

Cân bằng chế độ dinh dưỡng

PGS.TS Đào Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, hiện tượng thiếu máu thường xuất hiện khi thiếu sắt rõ rệt bởi lượng sắt mà cơ thể hấp thu sẽ kết hợp với protein để tạo ra hemoglobin - đảm nhận vai trò vận chuyển ô xy đến tổ chức của hồng cầu. Khi cơ thể thiếu máu, toàn trạng sẽ suy yếu không chỉ trong những năm tháng đầu đời mà còn cả khi trẻ trưởng thành.

Còn theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai), biểu hiện của bệnh thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ không rõ rệt, khá chung chung, gặp ở nhiều bệnh khác nhau nên thường bị bỏ qua. Thậm chí, nhiều trẻ chỉ được phát hiện thiếu máu khi đến bệnh viện khám một bệnh khác. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, với những trẻ thiếu máu nhẹ, biểu hiện chỉ là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt. Với trẻ lớn, chứng thiếu máu có thể kèm các biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, trẻ nhỏ không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Có trẻ bị nặng quá dẫn đến suy tim, khó thở, tim đập nhanh, một số trẻ còn bị phù. Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực. Tình trạng thiếu máu kéo dài khiến trẻ bị giảm trí nhớ, học hành sa sút, thiếu tập trung.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, muốn trẻ phát triển đầy đủ, các bà mẹ phải cân đối các chất dinh dưỡng cần cung cấp cho trẻ. Tức là phải cho trẻ chế độ ăn đa dạng, đủ cả thịt, trứng, tôm, cua, sữa... và các nhóm cung cấp vitamin, muối khoáng (gồm có rau tươi, hoa quả). Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho trẻ em thành phố dù được ăn uống đầy đủ nhưng vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung và thiếu máu nói riêng, đó là các bà mẹ thường cho tất cả thức ăn vào máy xay sinh tố, sau đó mới nấu lên. Nguyên khâu chế biến đó đã làm mất đi nhiều chất, vi chất dinh dưỡng có trong thức ăn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cũng cho rằng, điều quan trọng là phải cân bằng lại thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Cùng với chế độ ăn, cha mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung sắt. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống trong thời gian dài vì nếu thừa sắt sẽ dẫn đến hiện tượng nhiễm sắt vào gan, lách, phổi.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương Vũ Bá Quyết, trẻ sinh ra từ những người mẹ mang thai thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, non tháng, tăng khả năng bị mắc các bệnh lý sơ sinh. Do đó, việc cung cấp sắt khi các bà mẹ mang thai và sau sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, chỉ cần uống bổ sung sắt từ 3 tháng giữa thai kỳ trở đi và sau khi trẻ chào đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi con bị thiếu máu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.