Theo dõi Báo Hànộimới trên

2.000 chuyên gia đầu ngành dự hội nghị tim mạch học can thiệp toàn quốc

T. Minh| 11/11/2017 18:36

(HNMO) - Ngày 11-11, Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức hội nghị Tim mạch học can thiệp toàn quốc lần thứ 5 với chủ đề “Cùng nhau tiến bước”.

Hội nghị tim mạch học can thiệp toàn quốc lần thứ V.


Hội nghị quy tụ gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có các đại biểu đến từ Mỹ, Pháp, Italia, Hy Lạp, Ấn Độ, Singapore, Myanmar, Cuba, Lào… với gần 200 bài báo cáo khoa học, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong tim mạch nội khoa và các tiến bộ trong tim mạch can thiệp.

Đặc biệt, hội nghị có 4 ca can thiệp trực tiếp (live cases) do các chuyên gia hàng đầu về tim mạch trong và ngoài nước thực hiện tại phòng can thiệp của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và được truyền hình trực tiếp đến hội nghị. Đây là minh chứng về những bước tiến của Việt Nam trong ngành tim mạch nói chung, vươn tới sự hòa nhập của ngành tim mạch can thiệp thế giới.

Ca can thiệp trực tiếp (live cases) do các chuyên gia hàng đầu về tim mạch thực hiện.


Cách đây hơn 20 năm, sự phát triển của ngành Tim mạch can thiệp Việt Nam đã được bắt đầu. Khởi điểm là từ năm 1995, các bác sĩ Trần Văn Dương và Nguyễn Quang Thư (Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai) cùng với Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà Nội đã tiến hành ca chụp động mạch vành chọn lọc qua da đầu tiên ở nước ta. Từ đó đến nay, những bước chân mạnh mẽ và bền bỉ đã nối tiếp nhau trên hành trình hơn 20 năm với nhiều khó khăn, thách thức của ngành Tim mạch can thiệp Việt Nam để làm nên những dấu mốc và những bước phát triển mạnh mẽ. Đến hôm nay, đội ngũ các bác sĩ chuyên ngành Tim mạch học can thiệp ngày càng đông đảo, các kỹ thuật tiên tiến nhất ngày càng được ứng dụng trong nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cần đặc biệt ghi nhận sự cập nhật và phát triển hết sức nhanh chóng của chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam. Đối với bệnh lý động mạch vành, hàng vạn bệnh nhân bị hội chứng vành cấp đã được nong và đặt stent động mạch vành, kịp thời cứu sống họ qua khỏi thời điểm hiểm nguy để trở lại với cuộc sống bình thường.

Với các bệnh lý tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch chủ… thì các thầy thuốc trẻ của Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật, thực hiện được những kỹ năng, được đồng nghiệp trên thế giới đánh giá cao…

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Phân Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.


Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Phân Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam, hiện cả nước đã có hơn 60 trung tâm tim mạch và hơn 10 trung tâm thực hiện được những kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến nhất, ngang tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam còn giúp các nước láng giềng như Lào đào tạo các y, bác sĩ về chuyên ngành tim mạch…

Hội nghị năm nay cũng giới thiệu các kỹ thuật mới trong can thiệp như kỹ thuật Nano-Crush, các công nghệ mới trong sản xuất stent như stent tự tiêu, các hướng phát triển mới trong các bệnh lý mạch vành, rối loạn nhịp tim bẩm sinh. Hội nghị năm nay cũng lần đầu tiên đề cập đến những sản phẩm stent “made in Vietnam”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
2.000 chuyên gia đầu ngành dự hội nghị tim mạch học can thiệp toàn quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.