Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Hồng Anh| 08/08/2018 08:35

(HNMO) - Đa số bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam được phát hiện muộn do người dân không có thói quen tự kiểm tra và đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ.


Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó, bệnh ung thư vú chiếm khoảng 11.000 ca mới mắc và hơn 5.000 trường hợp tử vong.

Theo TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K trung ương, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Người bệnh càng được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.

Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam được phát hiện muộn do người dân không có thói quen tự kiểm tra vú và đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ.

Bác sĩ Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều thăm khám bệnh nhân ung thư. Ảnh: Quang Thái.


Cách phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Để phát hiện sớm căn bệnh này, các chị em nên tự khám vú sau chu kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày. Phụ nữ trong độ tuổi từ 40 trở lên nên đi khám sức khỏe định kỳ và nên quan tâm đến khám, tầm soát phát hiện ung thư vú để nếu mắc bệnh thì có thể điều trị kịp thời, đúng phương pháp.

Cách tự khám vú định kỳ tại nhà:

Bước 1: Kiểm tra ngoại hình xem hai bên ngực trái và phải có đối xứng không, da vùng ngực có bị nhăn nheo, căng, viêm loét hay sần sùi hay không, đầu vú có lõm xuống, tiết dịch lạ hay không.

Bước 2: Đứng và kiểm tra bằng cách sờ: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ, vê nhẹ đầu ngực, ấn đầu ngưc xuống và xem có thấy xuất hiện khối u hay không, bóp nhẹ núm vú kiểm tra xem có tiết dịch hay không.

Bước 3: Nằm xuống, dưới đầu không kê gối. Đệm 1 chiếc gối nhỏ dưới cẳng tay trái, bàn tay trái để ở vị trí sau não và tiến hành phương thức kiểm tra giống như ở bước 2. Chú ý nên kiểm tra theo hướng ấn, xoay tròn, miết trượt trên da. Sau đó, dùng ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn của tay còn lại để kiểm tra tương tự.

Các dấu hiệu của ung thư vú gồm: 1 bên vú dày chắc hơn bên kia; tụt núm vú; da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường; thay đổi màu sắc trên da của vú, chảy dịch 1 bên vú (khi chảy dịch máu thì khả năng 80% mắc bệnh ung thư); đau hoặc đỏ vú; xuất hiện hạch nách hoặc hố thượng đòn.

Với những trường hợp chị em có tiền sử gia đình mắc ung thư vú như mẹ, chị em gái trong nhà và khi xét nghiệm gen ung thư vú (gen BRCA1, BRCA2) dương tính thì nên đi khám định kỳ sớm hơn và chụp cộng hưởng từ để phát hiện ung thư vú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách phát hiện sớm bệnh ung thư vú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.