Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo chất lượng thuốc chữa bệnh

Phạm Mạnh Hùng| 09/10/2018 06:48

(HNM) - Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đòi hỏi phải bảo đảm tuyệt đối về chất lượng, hiệu quả sử dụng vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người bệnh.

Người bệnh nên tìm mua thuốc tại các cơ sở có uy tín để bảo đảm chất lượng. Ảnh: Thái Hiền


Các hãng dược liên tục bị… “sờ gáy”


Hằng năm, ở nước ta, các hệ thống kiểm nghiệm đã lấy gần 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua đó, tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện khoảng 1,5-2% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%. Tuy nhiên, con số này mới chỉ là phần nổi. Bởi từ đầu năm 2018 đến nay, gần như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phát hiện và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Ngay trong tháng 8-2018, Cục Quản lý dược đã công bố danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng. Đây là đợt thứ 26 các công ty có thuốc vi phạm được “xướng tên” kể từ năm 2014 đến nay. Thậm chí, có những đợt danh sách công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng được công bố lên tới 70 đơn vị, trong đó đa phần là các doanh nghiệp của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc. Những hãng dược tái phạm nhiều lần đều phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 100% lô thuốc nhập khẩu (tiền kiểm) thay vì hậu kiểm như quy định. Đây được xem như lời cảnh báo đối với chất lượng thuốc trên thị trường nước ta.

Không chỉ các công ty nước ngoài, các công ty trong nước cũng liên tục bị “thổi còi” vì sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong tháng 9-2018, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ lưu hành thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai Collydexa do Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nang cứng Agifamcin 300 (Rifampicin 300mg) do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Đây là thuốc kháng sinh trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng vi rút và kháng nấm của Công ty cổ phần Agimexpharm (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang)…

Đáng lo ngại, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều loại thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế vi rút, thần kinh, hỗ trợ sinh lý bị làm giả. Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 - 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc, sốc phản vệ.

Đẩy mạnh tiền kiểm và hậu kiểm

Kiểm tra, đóng gói thuốc tại Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây. Ảnh: Linh Ngọc


Trước tình trạng thuốc kém chất lượng liên tiếp bị phát hiện gần đây, dư luận đặt câu hỏi, liệu có “lỗ hổng” trong công tác quản lý thuốc? Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, quy trình sản xuất, phân phối, nhập khẩu thuốc được kiểm soát rất chặt. Nhờ đó, nhiều loại thuốc kém chất lượng đã bị phát hiện, đình chỉ và thu hồi. Riêng đối với thuốc nhập khẩu, hiện Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc của các công ty nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành tại Việt Nam. Thời gian tới, Cục Quản lý dược tiếp tục đẩy mạnh cả tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc để kiểm soát chặt việc lưu hành thuốc.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, Hà Nội cũng sẽ quyết liệt trong việc ngăn chặn thuốc kém chất lượng đến tay người bệnh. Cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của thuốc, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm, giám sát chất lượng thuốc. Việc lấy mẫu thuốc xét nghiệm sẽ tập trung từ đầu nguồn; tại các nhà phân phối, nhập khẩu. Khi phát hiện vi phạm sẽ cảnh báo sớm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu (Bệnh viện E trung ương) đưa ra khuyến cáo, do thuốc giả rất khó phân biệt bằng mắt thường nên để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân nên mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, ham rẻ mua thuốc “xách tay”, thuốc được bán trên mạng. Ngoài ra, với loại thuốc đã quen dùng, người bệnh cần xem kỹ bao bì, mùi vị thuốc khi uống. Nếu thấy có sự khác lạ cần tham khảo ý kiến tư vấn của các nhân viên y tế, đồng thời chú ý kiểm tra hạn sử dụng của thuốc.

Chắc chắn, câu chuyện thuốc giả, thuốc kém chất lượng chưa thể dừng lại và còn tiếp tục đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh nếu thiếu sự vào cuộc cương quyết, mạnh tay của cơ quan chức năng.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em và làm cho các nước thiệt hại khoảng 30 tỷ USD mỗi năm. Có tới 11% thuốc chữa bệnh tại các nước đang phát triển là thuốc giả. Đây là đánh giá được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra dựa trên 100 cuộc nghiên cứu với 48.000 loại thuốc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo chất lượng thuốc chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.