Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella?

Hương Thủy| 21/11/2018 10:37

(HNMO) - Vào ngày 26-11 tới, Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella cho trẻ 1-5 tuổi. Theo chuyên gia, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.


Mục tiêu là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi (mốc sinh từ 1-1-2013 đến 30-9-2017) tại Hà Nội được tiêm 1 mũi vắc xin sởi, rubella nhằm góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng, chủ động phòng dịch sởi, rubella tại Hà Nội. Tổng số trẻ sẽ được tiêm bổ sung là khoảng 680.000 trẻ.

Các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella (ảnh minh họa: Internet)


Chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ hãy đưa con đi tiêm tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella. Nguyên nhân là bởi, theo bác sỹ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 330 trường hợp và mỗi giờ có khoảng 14 trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn cầu, hầu hết trường hợp tử vong là trẻ dưới 5 tuổi.

Tại Việt Nam, năm 2014 đã xảy ra dịch sởi trên toàn quốc với hơn 15.000 trường hợp xác định bị mắc và 147 trường hợp tử vong; tại Hà Nội có hơn 1.700 trường hợp mắc và 14 trường hợp tử vong. Trẻ em mắc bệnh sởi nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não, dễ dẫn đến tử vong, và bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng và phụ nữ có thai. Phụ nữ khi mang thai mắc bệnh sởi có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc trẻ bị nhẹ cân.

Sử dụng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiệu quả không phải là 100%. “Sau khi tiêm 1 mũi vắc xin sởi, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, sau khi tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm vi rút sởi”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm sát bệnh tật thành phố nói.

Số trẻ chưa có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh này sẽ được tích lũy qua các năm cùng với số trẻ không được tiêm vắc xin sẽ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, đây chính là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và gây dịch sởi trong mùa đông xuân tới.

“Vì vậy, để chủ động không để xảy ra dịch bệnh, cần phải tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em 1-5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố, để đảm bảo 100% trẻ em có đủ miễn dịch phòng bệnh”, bác sỹ  Khổng Minh Tuấn đưa ra lời khuyên.

Việc tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella đợt này, ngoài tác dụng chủ động phòng chống bệnh sởi còn có tác dụng phòng chống bệnh rubella. Đây cũng là một bệnh nguy hiểm đối với trẻ em.

Chiến dịch tiêm bổ sung này sẽ được chia làm 3 đợt. Đợt 1, tổ chức tiêm tại trường học đóng trên địa bàn, bắt đầu từ ngày 26-11-2018, cho các trẻ đi học tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ đóng trên địa bàn; đợt 2, tổ chức tiêm tại các trạm y tế cho trẻ không đi học sống trên địa bàn và tiêm vét cho trẻ đi học chưa được tiêm (do tạm miễn hoãn trong đợt 1) từ ngay sau khi hoàn thành đợt tiêm tại trường; đợt 3, tiêm vét từ ngày 12-12-2018. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin sởi, rubella?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.