Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực mở rộng triển khai PrEP để đẩy lùi HIV/AIDS

T. Minh (lược ghi)| 28/11/2018 18:26

(HNMO) - Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã thông tin về những giải pháp và định hướng trong tương lai nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long.


- Mới đây, báo cáo công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS có nhấn mạnh tới tình trạng nghiện ma túy tổng hợp làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trong giới trẻ. Với vai trò là cơ quan quản lý, Cục đã có những kế hoạch gì để can thiệp trong nhóm này?

- Sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) nói riêng đang là một vấn đề khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Lạm dụng ATS không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội và đặc biệt là làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Một số người bệnh có rối loạn tâm thần và đó cũng là những tác động tiêu cực dễ thấy và là nguyên nhân của tình trạng bệnh và tử vong cao ở người lạm dụng ATS.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp. Có thể nói, đây là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, thời gian qua, Cục đã mời các chuyên gia quốc tế đến để chia sẻ các can thiệp hiệu quả cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trong can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp.

Với những hiểu biết ban đầu, chúng tôi cũng đã cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng Hướng dẫn quốc gia can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine - loại ma túy tổng hợp đang phổ biến nhất hiện nay.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch tổng thể trung hạn can thiệp lạm dụng ma túy thời gian tới. Song song, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai các dự án thí điểm can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Có thể nói, can thiệp ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp, vì hằng năm có rất nhiều các loại ma túy tổng hợp ra đời. Can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi chứ chưa có thuốc nào hiệu quả trong điều trị. Điều này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của không chỉ người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng.

Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV.


- Việc thực hiện chi trả thuốc ARV qua Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV hiện còn những khó khăn gì thưa ông?

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định.

Tuy  nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Bởi hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều có mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2188 quy định các địa phương đảm bảo các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.

Trước thực tế này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.

Hiện nay, 35/63 tỉnh thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV); 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ chi trả thuốc ARV.

Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

- Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng dự phòng lây nhiễm HIV mới như dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Ông có thể nói rõ hơn về biện pháp?

- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đó là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ (TGW), phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm (cặp có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV…). 

Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng PrEP rất hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thí điểm điều trị PrEP tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 10 cơ sở, điều trị cho hơn 2.000 khách hàng.

Mô hình cung cấp dịch vụ này triển khai ở cơ sở y tế công và y tế tư nhân. Năm 2019, mở rộng triển khai PrEP trên 11 tỉnh có tình hình dịch cao gồm các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng.

- Xin cảm ơn ông!

9 tháng năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.514, số bệnh nhân tử vong 1.436 trường hợp. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (38%) và 30 - 39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Tính đến hết tháng 9-2018, số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tiến người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực mở rộng triển khai PrEP để đẩy lùi HIV/AIDS

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.