Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có sự lệch chuẩn trong báo chí, truyền thông?

Cù Xuân Trường| 29/10/2012 06:25

(HNM) - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã dẫn tới sự ra đời của nhiều phương tiện truyền thông mới, tạo nên môi trường thông tin rộng lớn vượt qua mọi biên giới quốc gia.

Trong một thế giới phẳng, hầu như mọi người đều được tiếp cận thông tin, trở thành người cung cấp thông tin, nên báo chí buộc phải thay đổi và đã có những thay đổi cơ bản. Nhiều loại hình báo chí mới ra đời và từ chỗ nặng về cổ vũ tuyên truyền, thông tin một chiều, báo chí Việt Nam hiện nay đã có những góc nhìn đa chiều, thông tin đa dạng, có tính tương tác nhiều hơn và làm tốt hơn vai trò phản biện xã hội… Tuy nhiên, trong bối cảnh không ít trang mạng "đen" không ngừng hoang tin chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, gieo rắc thái độ thù địch, không ít tờ báo chưa thể hiện rõ vai trò "người chiến sĩ cầm bút" trên mặt trận tư tưởng.

Nhiều tờ báo, đặc biệt là báo mạng chạy theo xu hướng giật gân, "lá cải"…

Như vậy, có hay không sự lệch chuẩn trong báo chí, truyền thông? Đổi mới nội dung, hình thức như thế nào để không tự đánh mất chính mình, không tầm thường hóa thông tin mà vẫn giữ được độc giả?… Rất nhiều câu hỏi đặt ra với báo giới và cho báo giới.

Tại cuộc hội thảo về đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí tuyên truyền phối hợp tổ chức mới đây, nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo đã được bàn thảo. Theo nhà báo lão thành Hữu Thọ, bên cạnh những ưu điểm cơ bản thì báo chí hiện nay cũng có những khuyết điểm, có khuyết điểm nghiêm trọng. Trong các khuyết điểm, có khuyết điểm thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu hoặc xâm phạm uy tín danh dự của tổ chức, nhân phẩm công dân, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và làm mất uy tín của giới báo chí trong xã hội… Ở một khía cạnh khác, nhà báo Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận xét: Cách suy nghĩ đơn giản hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường để có những tít "giật", cách dùng ngôn từ dễ dãi, thiếu chọn lọc, thiếu trau chuốt nhiều khi mang lại một cảm giác ghê sợ, phản cảm cho người đọc, làm tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt…

Có một thực tế đáng suy nghĩ là trong khi chưa phát huy được những khía cạnh tích cực mà kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế có thể mang lại, không ít tờ báo đã vô tình trở thành cầu nối, tạo môi trường trung gian để những mặt trái của nó phát tác. Khoan nói đến tác hại của việc đưa tin thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật gây ảnh hưởng xấu trong dư luận hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng, chỉ cần 15 phút lướt qua các trang báo mạng, có thể cảm nhận được phần nào hiệu ứng tiêu cực từ những cái tít gây "sốc", những vụ scandal nhảm nhí, hình ảnh sinh hoạt riêng tư, chuyện hậu trường nhạy cảm…

Tần số xuất hiện của tên giết người Lê Văn Luyện trên các báo nhiều hơn những vấn đề quốc kế dân sinh đã khiến kẻ sát nhân man rợ trở thành "người hùng" được một bộ phận giới trẻ tung hô. Bàn quá nhiều về những vụ việc vi phạm đạo đức, những trò PR thô lỗ của người đẹp, nghệ sĩ…, vô hình trung một số tờ báo đã tiếp tay cho những trò lố bịch đua nhau nở rộ. Phơi bày những cuộc ăn chơi thiếu văn hóa của các đại gia, người mẫu lên mặt báo, vô tình đã cổ vũ cho chủ nghĩa hưởng thụ thô thiển, đã khiến giới trẻ ngộ nhận đó là những giá trị, đánh mất dần những giá trị chân chính đích thực… Báo chí đang góp phần tha hóa độc giả, và ngược lại những nhu cầu lệch lạc của một bộ phận độc giả đang tha hóa một bộ phận báo chí, truyền thông!

Báo chí phải phản ánh thế giới như nó vốn có. Nhưng phản ánh chân thực không đồng nghĩa với việc tung ra những hình ảnh rùng rợn, phản cảm, những thông tin thiếu kiểm chứng để lôi kéo người đọc. Báo chí dù ở loại hình nào, trước hết đều là những sản phẩm văn hóa, phải mang đậm tinh thần nhân văn, hướng tới cái đẹp và giá trị đích thực của văn minh nhân loại.

Tuy nhiên, sự quan tâm thái quá của giới truyền thông đối với những thông tin bất ổn, bạo lực, những scandal của giới người mẫu, ca sĩ, diễn viên đang dẫn tới tình trạng thiếu hụt thông tin có tính giáo dục, phát hiện, cảnh báo mang ý nghĩa xã hội sâu sắc nhưng lại dư thừa đến mức bội thực thông tin giải trí, giật gân, thậm chí độc hại, từ đó góp phần tạo môi trường cho những khuyết tật xã hội lây lan. Đó chính là những "khuyết điểm" và cũng là bài học đau đớn của giới truyền thông.

Thông tin giật gân, câu khách ngày càng nở rộ trên báo chí cho thấy đã có những biến đổi tiêu cực trong thị hiếu độc giả những năm gần đây. Nhiều nhà xã hội học cho rằng đã có sự tha hóa, hay nói cách khác là tầm thường hóa trong thị hiếu của một bộ phận không nhỏ độc giả. Sự tha hóa ấy, bắt nguồn từ những tư duy lệch chuẩn về lối sống, quan điểm thẩm mỹ... Để có một xã hội phát triển bền vững phải có một nền tảng văn hóa vững chắc, trong đó đạo đức và lối sống là những thành tố cơ bản. Khi con người quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của cộng đồng, đến đạo lý, các phạm trù lẽ phải, trách nhiệm…, chắc chắn lối sống vị kỷ, thực dụng sẽ bị co hẹp. Do vậy, tính định hướng của báo chí, truyền thông đã quan trọng, ngày nay càng có vai trò quan trọng hơn.

Trong cuộc chạy đua, cạnh tranh thông tin của báo chí hiện nay, để đáp ứng hai yêu cầu sống còn là nhanh và chính xác thì việc xác định nguồn tin và những thông tin nhạy cảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thế nhưng, việc xác định thế nào là thông tin nhạy cảm thật sự không đơn giản trong bối cảnh xã hội không ngừng biến động hiện nay. Thực tế, có những thông tin nếu đăng ngay sẽ phản tác dụng nhưng nếu có một khoảng lùi nhất định sẽ có tác động tích cực. Tuy nhiên, thông tin đúng đắn hay không đều khởi nguồn từ cách tiếp cận, lựa chọn, xử lý của mỗi phóng viên và mỗi tòa soạn. Cùng một sự kiện, nếu chú tâm khai thác những mặt tích cực sẽ mang đến cho bạn đọc những cái nhìn lạc quan trong cuộc sống và ngược lại. Do vậy, tiếp cận, xử lý thông tin không chỉ cần sự thông minh, nhạy cảm mà còn cần thể hiện bản lĩnh của người làm báo. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có sự điều chỉnh trong việc cung cấp thông tin cho báo chí để bảo đảm tính chính xác nguồn tin, tránh những hệ lụy không đáng có.

Một vấn đề nữa là ở nước ta, nhiều lúc ranh giới giữa báo chính thống và "lá cải" đã bị xóa nhòa, do vậy việc phân định hai tính chất này là hết sức cần thiết để định hướng việc tiếp cận thông tin cho độc giả. Việc này, báo chí nhiều nước đã làm, thậm chí người ta đưa ra lời cảnh báo để bạn đọc lựa chọn trước khi tiếp cận thông tin. Làng báo nước ta đã có nhiều cuộc bàn thảo và có rất nhiều ý kiến khác nhau về hiện tượng phát triển "nóng" của các mạng "lá cải", báo "lá cải" và xu hướng "lá cải hóa" thông tin của một số báo. Có người cho rằng: Báo chính thống giống như bữa ăn chính, báo "lá cải" như thứ quà vặt. Quà vặt đem lại thú vui cho nhiều người nhưng không thể thay thế bữa ăn chính. Theo quan điểm này, báo "lá cải" vẫn có chỗ đứng bên cạnh dòng báo chí chính thống trong một xã hội hiện đại. Đúng sai thế nào khoan bàn đến, bởi dù có như vậy thì cũng không thể chấp nhận việc "tầm thường hóa thông tin" chạy theo nhu cầu tha hóa của một bộ phận độc giả, làm phương hại đến lợi ích cộng đồng. Cách ứng xử với thông tin không chỉ khẳng định bản lĩnh của mỗi tờ báo mà còn phản ánh giá trị văn hóa của cả xã hội.

Tác phẩm báo chí nhiều khi có giá trị như một căn cứ pháp lý đồng thời có tác dụng phản biện xã hội. Nếu không tính tới tác động xã hội, thông tin báo chí đưa ra có thể tác động tiêu cực đến lợi ích cộng đồng. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, báo chí, truyền thông cũng cần giữ vững vai trò định hướng dư luận, hướng tới mục đích lành mạnh hóa đời sống xã hội. Một điều nữa, mỗi nhà báo trước hết là một công dân, do vậy cần đặt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội lên trên hết để xử lý thông tin một cách thấu đáo, biện chứng và nhân văn. Một khi giới truyền thông đánh mất những chuẩn mực vốn có và phải có thì thật sự đó là một thảm họa cho xã hội.

Đổi mới để hấp dẫn độc giả là nhu cầu khách quan cũng là đòi hỏi tất yếu của mỗi tờ báo. Thế nhưng đổi mới từ đâu, đổi mới như thế nào để giữ vững tôn chỉ, mục đích, tính chiến đấu của báo chí cách mạng và phát huy hiệu quả công nghệ, kỹ năng truyền thông hiện đại lại luôn là một câu hỏi lớn. Bác Hồ - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam căn dặn người làm báo: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào? Mỗi dòng tin, mỗi bài báo, mỗi hình ảnh đều là những thông điệp gửi tới bạn đọc, do vậy, người làm báo luôn mang trên mình một trách nhiệm xã hội nặng nề. Trách nhiệm ấy đòi hỏi mỗi người làm báo phải có một tư duy đúng, một định hướng đúng, một bản lĩnh chính trị vững vàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có sự lệch chuẩn trong báo chí, truyền thông?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.