Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về nhu cầu văn hóa của người Hà Nội

Lê Huy Anh| 31/12/2012 05:51

(HNM) - Mới đây trên báo có bài phỏng vấn họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng với tựa đề "Người Hà Nội có nhu cầu văn hóa rất thấp". Phan Cẩm Thượng, người từng ngỏ ý trong một bài viết được tập hợp trong cuốn sách có nhiều người đón đọc của anh - "Nghệ thuật ngày thường" (NXB Phụ nữ, 2008), rằng "đã đọc vài bồ sách", ai cũng biết là đã viết một số sách đáng gọi là công trình nghiên cứu thực sự, lại đã có nhiều bài báo sâu sắc về nghệ thuật, nay nói ra điều được coi là nhạy cảm thì cũng đáng để suy nghĩ cẩn thận.

Nói "nhạy cảm" là bởi không có nhiều người dám thẳng tưng về sự kém của người Hà Nội, mà lại là kém về nhu cầu văn hóa - là chuyện lớn, cứ như nhằm gậy phang thẳng vào niềm kiêu hãnh bao đời nay của người Hà thành vậy. Trong những ngày cuối của một năm có nhiều sự cố ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, nền nếp đô thị trong tình trạng "phải uốn nắn khẩn trương", "nghệ thuật bình dân" có biểu hiện lấn át nhất định so với giá trị nghệ thuật gần với đỉnh cao - về mặt tạo ảnh hưởng với số đông, và giới trẻ vẫn cuống cuồng mỗi khi dàn "sao" K-pop xuất hiện ở Hà Nội… thì nhận xét của Phan Cẩm Thượng có ý nghĩa cảnh báo.

Rất khó trả lời câu hỏi rằng người Hà Nội thể hiện nhu cầu văn hóa như thế nào một cách chính xác nếu không có sự trợ giúp của những công trình nghiên cứu quy mô dựa trên kết quả khảo sát công phu về vấn đề liên quan. Tiếc là ta không có được cơ sở dữ liệu đáng tin cậy phục vụ cho điều đó, nói gì cũng có thể bị cho là thiếu khách quan, cảm tính, không toàn diện… Sự khó đánh giá còn ở chỗ "người Hà Nội" hiện giờ đã là một cộng đồng gần chục triệu người, muốn lẩy ra điều gì đó hàm ý đặc trưng cơ bản không phải là điều dễ. Lịch sử thì xa, cuộc sống thật gần. Chẳng nói xa xôi chuyện cụ Lý Thái Tổ định đô Thăng Long cách nay nghìn năm, ngay nhóm cư dân Hà Nội vài đời nay, như người ta nói là được quyền tự hào mình thuộc diện "chẳng thơm cũng thể hoa nhài…" giờ cũng đã có sự thay đổi, tất nhiên có cả sự vận động về nhu cầu, cách thức tiêu dùng văn hóa và lề lối ứng xử. Sự vận động ấy, có người nói là tất yếu khách quan, xã hội tiến lên thì con người phải khác, sự điều chỉnh của từng cá nhân hay cả cộng đồng là tất yếu; nhưng cũng có người định vị "đi ngược truyền thống", hẳn là không thể tốt. Có cái sự khác nhất định phải có trong cách nhìn nhận sự kiện, hiện tượng, biểu hiện là do điểm tiếp cận của từng cá nhân.

Vấn đề là có phải "người dân Hà Nội hiện nay dường như không tiêu thụ và thưởng thức các sản phẩm, hoạt động nghệ thuật đỉnh cao, chứng tỏ nhu cầu văn hóa rất thấp"? Nhu cầu thấp, hay nguồn cung chất lượng cao chưa bảo đảm thỏa mãn "cầu"?

Nhu cầu, với ý nghĩa là hiện tượng tâm lý, thể hiện nguyện vọng, mong muốn cá nhân về tinh thần và vật chất, luôn không có giới hạn nhưng hầu như không thể đáp ứng tất cả cùng lúc. Người Hà Nội, thời phong kiến hay giai đoạn trước đổi mới có biểu hiện về nhu cầu, cả về tinh thần và vật chất, khác với hiện nay. Thời hiện đại, có điều kiện hơn, không dễ gì chấp nhận sự đạm bạc thiếu túng. Người ta mặc đẹp, ăn ngon, tự cho mình quyền hưởng thụ trong điều kiện có thể. Nhiều người tìm đến những hoạt động nghệ thuật chất lượng cao, sẵn sàng chi hai, ba tháng lương "cứng" cho một cặp vé. Trẻ em muốn xem ở những rạp chiếu hiện đại, có khi bỏ ăn sáng cả tuần để có một lần xem. Lắm người bỏ tiền thuê phòng tập để làm đẹp, thuê sân bãi rèn luyện thể thao. Nếp nhà, lề thói cũng khác. Trẻ đi học đầy đủ, tự tin hòa nhập cộng đồng. Mô hình gia đình vệ tinh ngày một phổ biến, tất yếu dẫn đến biểu hiện mà nhiều người cho là mối dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Tuy thế, thời hội nhập trong thế giới phẳng cũng để lại nhiều hệ lụy không mong muốn. Con trẻ "lớn" quá nhanh. Nhiều người vì nhu cầu cá nhân mà hành động vượt khuôn khổ. Quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh mẽ, dòng chuyển cư không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến sự quá tải tại đô thị lớn, tệ nạn xã hội trở nên nhức nhối, ý thức chấp hành luật pháp giảm sút… Đó là tính hai mặt của một đô thị đang trên đà phát triển, không thể né tránh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng khác. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt, cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn". Quan điểm về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và thỏa mãn nhu cầu văn hóa của nhân dân trong sự nghiệp phát triển đã được thể hiện rõ qua một loạt văn kiện của Đảng, từ "Đề cương văn hóa Việt Nam" (năm 1943) đến Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", và rất nhiều chương trình lớn của Chính phủ.

Văn hóa luôn là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, cộng đồng, có ý nghĩa sinh tồn. Vấn đề là cách thức bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu đó như thế nào. Nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa của người Hà Nội một cách tốt hơn hiện đã là yêu cầu cấp bách. Thực tế cho thấy Hà Nội, ngay cả ở khu vực nội thành cũng thiếu thiết chế văn hóa thiết yếu. Theo số liệu của ngành văn hóa, Thủ đô hiện chỉ có trên dưới 10 rạp chiếu bóng đủ điều kiện phục vụ người xem, quá ít so với quy mô dân số ngày một tăng. Nhiều nhà văn hóa chỉ có "xác", không "hồn", chưa kể số đã xuống cấp, kém xa chuẩn rất nhiều. Sân chơi cho trẻ em, quanh quẩn có Công viên Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây, Cung Thiếu nhi Hà Nội là đáng kể, lễ tết chật ních người. Thủ đô có nhiều nhà hát, không mấy nơi "đỏ đèn" thường xuyên… Tất cả những điều ấy cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật còn ở mức độ thấp.

Hà Nội vẫn đang trong quá trình tự hoàn thiện nhiều điều. Tháng bảy năm nay, Hội đồng nhân dân TP khóa XIV, tại kỳ họp thứ 5 đã ra nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế thủ đô của một quốc gia, là địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Trong rất nhiều mục tiêu cụ thể cần đạt được, Hà Nội xác định mục tiêu quy hoạch bảo tàng, hệ thống công viên, nghệ thuật biểu diễn, rạp chiếu phim, rạp hát, thư viện. Giải pháp cụ thể đã có, từ nâng cao năng lực quản lý ngành đến thúc đẩy xã hội hóa, tuyên truyền vận động trong dân… Đó là một chương trình lớn nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo đảm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa của người Hà Nội trong tương lai.

Nhu cầu văn hóa của người Hà Nội không bất biến, mà đa dạng và phong phú theo thời gian chứ không phải là "nhu cầu văn hóa rất thấp". Cần hiểu rằng bên cạnh mặt tích cực còn có sự lệch lạc cũng là điều dễ hiểu ở một thành phố đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong quá trình hội nhập. Trong một tiến trình phát triển không ngừng nghỉ, dựa trên khả năng chọn lọc, kết tinh, lan tỏa và sức đề kháng của người Hà Nội, có thể khẳng định nhu cầu văn hóa của người Thủ đô ngày một phong phú hơn, hướng tới những giá trị đỉnh cao. Nhu cầu chính đáng ấy sẽ ngày càng được đáp ứng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về nhu cầu văn hóa của người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.