Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nợ xấu: Vẫn lúng túng

Hà Phong| 27/09/2018 06:48

(HNM) - Hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, vẫn còn nhiều điểm “vênh” với Luật Thi hành án dân sự hoặc thiếu hướng dẫn chi tiết khiến cả cơ quan thi hành án, tổ chức tín dụng lúng túng, người phải thi hành án thiếu hợp tác…

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu. Ảnh: Minh Phương


Theo Điều 47 Luật Thi hành án dân sự và hướng dẫn tại Công văn 1099/ TCTHADS-NV1 ngày 11-4-2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự, khi xử lý tài sản thi hành án, với khoản tiền thu được từ việc bán, xử lý tài sản, quá trình thực hiện thanh toán, cơ quan thi hành án ưu tiên thanh toán án phí, kể cả án phí thuộc nghĩa vụ của người phải thi hành án.

Song để chủ động giải quyết nợ xấu - “cục máu đông gây tắc dòng chảy” của nền kinh tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, trong đó quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”.

Đồng thời, tại mục 2.4 Công văn 3022/TCTHADS-NV1 ngày 15-8-2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 có hướng dẫn: Từ ngày 15-8-2017, khi thực hiện việc thanh toán khoản tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, cơ quan thi hành án dân sự ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi trừ chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Đối với các nghĩa vụ khác của người phải thi hành án chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế. Riêng với khoản án phí, cơ quan thi hành án dân sự tạo điều kiện để các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thỏa thuận nhằm thu nộp ngân sách nhà nước và kết thúc được hồ sơ thi hành án chủ động đối với khoản án phí.

“Vênh” ngay từ quy định cũng như hướng dẫn nghiệp vụ nên không ít cơ quan thi hành án đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Vì nếu không thực hiện đúng quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự (tức là thi hành khoản án phí trước sau đó mới đến khoản tiền trả cho ngân hàng) thì có thể bị cơ quan quản lý cấp trên hoặc các cơ quan giám sát “tuýt còi”, còn đương sự thắc mắc, khiếu kiện; nhưng nếu thực hiện thì có thể xâm hại đến quyền lợi của ngân hàng.

Về phía ngân hàng, đại diện Vietcombank cho rằng, mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, tổ chức tín dụng chỉ thu giữ tài sản bảo đảm thành công với một số trường hợp khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản bảo đảm không có tranh chấp; tài sản bảo đảm là đất trống…

Trong nhiều trường hợp khác rất khó thực hiện vì cơ quan công an, chính quyền sở tại không thực sự muốn phối hợp. Khi khách hàng nợ nhưng không trả, cố tình chống đối thì các tổ chức tín dụng chỉ có cách khởi kiện để được quyền xử lý tài sản đảm bảo thông qua thi hành án, việc này rất tốn kém thời gian và công sức.

Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Vì vậy, bán tài sản bảo đảm xong rồi nhưng người mua cũng không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng.

Thực tế trên cho thấy, để giảm án tồn đọng, giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng, các vướng mắc cần tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, điều chỉnh, hướng dẫn chi tiết hơn nữa nhằm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan liên quan, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu: Vẫn lúng túng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.