Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẻ chia là hạnh phúc

Minh Ngọc| 13/11/2017 06:08

(HNM) - Những mô hình thiện nguyện cung cấp suất cơm có giá 1.000 đồng, quần áo 2.000 đồng, bánh mì, nước uống miễn phí… xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn TP Hà Nội.

Ấm lòng người nghèo

Ngày 6-11, trong vai thực khách, chúng tôi đến “Tiếu ngạo quán” ở số 9 ngõ 120, đường Trần Bình (quận Cầu Giấy). Phía dưới biển hiệu là tấm băng rôn đỏ in dòng chữ “Cơm từ thiện 1.000 đồng/suất tại Tiếu ngạo quán, trưa thứ hai hằng tuần”. Bên trong, cửa hàng ăn uống này có hai khu, khu bán lẩu nướng và khu bán cơm từ thiện.

Khu vực bán cơm từ thiện ở cạnh lối đi, bàn ghế gọn gàng với những khay thức ăn đầy đặn. Thấy khách bước vào, dù vẻ sang trọng hay bình dân, nhân viên đều tươi cười mời khách dùng cơm 1.000 đồng/suất. Suất ăn từ thiện gồm nhiều món, đủ dinh dưỡng. Số khách dùng cơm từ thiện trả 1.000 đồng không nhiều, chủ yếu là người già, người bán hàng rong. Số còn lại thường bỏ vào thùng từ thiện khoảng 30.000 đồng hoặc nhiều hơn. Số tiền mà khách ủng hộ được “Tiếu ngạo quán” dùng để nấu cơm từ thiện phục vụ tại quán, mang phát cho người lao động, học sinh, sinh viên nghèo.

Chị Nguyễn Thị H. - người bán hàng rong tại khu vực Bệnh viện 19-8 chia sẻ: “Suất cơm 1.000 đồng làm ấm lòng người nghèo. Tôi mong những bữa cơm từ thiện xuất hiện ở nhiều nơi, được bán nhiều lần/tuần để nhiều người được hỗ trợ”.

Hiện nay, tại Hà Nội xuất hiện nhiều mô hình thiện nguyện. Đó là tủ bánh mì miễn phí đặt tại ngã ba phố Trần Nhân Tông - Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) của một người không muốn công khai danh tính. Giúp người nghèo tiết kiệm chi tiêu, chị Nguyễn Tố Nga, trú tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình) mở hàng quần áo phục vụ người nghèo với tiêu chí “Ai có ủng hộ, ai khó qua mua”. Điểm bán hàng của chị Nga trên phố Phan Kế Bính lúc nào cũng nhộn nhịp. Người mua thoải mái lựa chọn trang phục với giá bán tượng trưng 2.000 đồng/sản phẩm.

Tương tự, nhóm thiện nguyện E2k Hà Nội vận động những người có điều kiện ủng hộ quần áo mới hoặc đã qua sử dụng nhưng còn mới để mở chuỗi cửa hàng quần áo giá 2.000 đồng/sản phẩm. Tại Hà Nội, nhóm E2k bán hàng vào những ngày cuối tuần tại phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), phường Thạch Bàn (quận Long Biên), đường Âu Cơ (quận Tây Hồ).

Chị Vũ Thị Lan, đại diện nhóm E2k cho biết, mỗi sản phẩm được bán với giá 2.000 đồng thay vì tặng miễn phí, giúp người nhận cảm thấy thoải mái hơn. Số tiền thu được từ việc bán hàng được gom lại, dành để ủng hộ bệnh nhân nghèo, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng bị thiên tai.

Nhân rộng mô hình thiện nguyện

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những việc làm nghĩa tình đã giúp nhiều người vượt qua khó khăn, tin tưởng vào điều tốt đẹp, nỗ lực sống, làm việc vì tương lai tươi sáng. Bởi thế, các mô hình từ thiện nêu trên rất cần được nhân rộng.

Suất cơm từ thiện 1.000 đồng tại “Tiếu ngạo quán”.


Anh Nguyễn Anh Vũ, chủ nhà hàng “Tiếu ngạo quán” cho biết, khách hàng ăn cơm từ thiện và bỏ vào thùng từ thiện số tiền gấp nhiều lần giá bán 1.000 đồng, thực chất đó là hành động chung tay giúp đỡ người nghèo. Trân trọng sự ủng hộ đó, “Tiếu ngạo quán” sẽ nghiên cứu tăng thời gian bán cơm từ thiện.

Mô hình bán hàng “Ai có ủng hộ, ai khó qua mua” cũng được chị Nguyễn Tố Nga lên kế hoạch mở rộng. “Nếu có người tổ chức bán hàng, tôi sẽ đứng ra làm đầu mối thu gom, sau đó phân phối cho các quầy hàng khác”, chị Nga nhắn nhủ.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, để các tổ chức, cá nhân nhân rộng mô hình thiện nguyện thì không thể thiếu sự chung tay của toàn xã hội. Tiếc rằng, trên thực tế, có những nhóm từ thiện mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nhưng đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu sự ủng hộ của cộng đồng. Ông Phạm Văn Tới, Chủ tịch Câu lạc bộ Từ thiện quốc gia cho hay: Trong xã hội, đâu đó vẫn có người nghĩ rằng hoạt động từ thiện chưa hẳn vì mục đích từ thiện, nên họ không nhiệt tình tham gia. Và đâu đó cũng có những cá nhân cố tình lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi, tuy không nhiều.

“Trên địa bàn TP Hà Nội tập trung nhiều lao động từ nơi khác đến. Cuộc sống của họ còn có khó khăn về nhiều mặt, rất cần được hỗ trợ. Mọi sự giúp đỡ đều góp phần làm cho cuộc sống của nhóm người yếu thế tốt đẹp hơn, xã hội nhân văn hơn”, ông Phạm Văn Tới kêu gọi.

Người viết xin khép lại bài viết bằng câu chuyện về bà Nguyễn Thị Đỏ (68 tuổi), được cho là “bà chủ nhà trọ tốt nhất Hà Nội”. Bà vừa qua đời, tin tức xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội. Cái chết đột ngột của bà Đỏ để lại sự tiếc thương cho gia đình, hàng xóm, đặc biệt là những sinh viên từng thuê trọ nhà bà. Đó là bởi khi sống, bà luôn yêu thương, chia sẻ với sinh viên nghèo, ứng xử biết điều với những người xung quanh. Những bát canh cá nấu dưa, những cốc chè ngọt mát mà bà Đỏ thường nấu cho sinh viên ăn không phải là món quà có giá trị vật chất lớn nhưng chất chứa tình yêu thương, sự chân thành nên có sức lay động, cảm hóa lòng người.

Mong rằng, trong dòng đời tấp nập hối hả, sẽ có nhiều nữa, nhiều nữa những tấm lòng sẻ chia vì cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẻ chia là hạnh phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.