Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản phá sản: Cú đổ bể chấn động

Đình Hiệp| 21/01/2010 07:36

(HNM) - Sự kiện Hãng Hàng không Nhật Bản Japan Airlines (JAL) vừa tuyên bố phá sản (ngày 19-1) sau khi đệ đơn xin bảo hộ đang trở thành điểm

Chủ tịch JAL Harưca Nisimachư (trái) từ chức ngay sau khi JAL phá sản.


Việc doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, đặc biệt với quốc gia đang chịu tác động nghiêm trọng trong cơn bão tài chính vừa qua là không có gì mới. Thế nhưng, sự "ra đi" được dự báo trước của JAL - đại gia hàng không lớn nhất châu Á và ở tốp đầu của hàng không thế giới sau gần 60 năm thành lập - vào thời điểm này đang gây chấn động các đường bay khu vực. Tuy nhiên, tin tức từ Tôkiô cho hay, các chuyến bay của JAL trong 24 giờ qua chưa có xáo trộn gì đáng kể.

Kế hoạch tái cơ cấu JAL đã được khởi động ngay lập tức với sự hỗ trợ tài chính ồ ạt (khoảng 300 tỷ yên) theo kế hoạch phục hồi của Tập đoàn Sáng kiến chấn hưng doanh nghiệp (ETIC), tập đoàn chịu trách nhiệm chính vực dậy JAL cùng sự bảo đảm của Chính phủ Nhật Bản. Nhưng, hàng loạt hệ lụy sau vụ phá sản của JAL là khó tránh khỏi.

Trước mắt, 15.700 nhân viên (khoảng 1/3 nhân lực của JAL trên toàn thế giới) đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, trong khi số lượng chuyến bay nội địa và quốc tế dự kiến sẽ phải giảm bớt. Nhưng điều đáng lo ngại hơn, JAL phá sản sẽ không chỉ là sự kiện ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản mà còn mang tầm vóc khu vực, đặc biệt với khoảng 50% trong tổng số gần 3.000 doanh nghiệp nhỏ trong và ngoài Nhật Bản đang có quan hệ trực tiếp với JAL. Hiện JAL có đường bay tới 35 quốc gia và khu vực trên thế giới. Doanh số kinh doanh của các doanh nghiệp phụ trợ chịu tác động sẽ rung động lớn vì quá phụ thuộc vào JAL.

Trong 9 năm trở lại đây, JAL đã 4 lần được Chính phủ Nhật Bản "giải cứu" với những khoản chi lớn. Tuy nhiên, nội các của Thủ tướng Yukiô Hatôyama đã cương quyết chấm dứt "chính sách" hỗ trợ vô điều kiện với hãng hàng không này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc JAL phá sản, như vung tiền quá nhiều để đầu tư "rủi ro" vào các khu nghỉ mát và khách sạn ở nước ngoài; mạng lưới tuyến bay nội địa không hiệu quả; quỹ lương và lương hưu quá lớn... Kết cục buồn của "cỗ máy cái hàng không" đất Phù Tang đã đẩy giá cổ phiếu JAL giảm xuống còn 5 yên, khiến giá trị thị trường của hãng còn khoảng 13,7 tỷ yên, chỉ mua được một chiếc Boeing 787.

Giữa lúc thương trường Nhật Bản bị vụ JAL phá sản "đốt nóng" thì vụ bê bối quỹ chính trị của Tổng Thư ký đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền Ichirô Ôdaoa được công khai trong tuần qua tiếp tục là chủ đề cũng rất "nóng" tại cuộc họp Quốc hội Nhật Bản (từ ngày 18 đến 20-1). Mặc dù tuyên bố không rời bỏ vị trí lãnh đạo DPJ, nhưng các vụ bê bối tài chính liên quan đến Tổng Thư ký Ôdaoa và một số thuộc cấp đã đẩy thủ lĩnh của DPJ vào tình thế khó khăn.

Vụ phá sản của JAL cùng những bê bối quỹ chính trị liên quan đến không ít thành viên nội các Nhật Bản là một thách thức lớn với Thủ tướng Hatôyama. Các đảng đối lập đã liên tiếp chỉ trích khả năng điều hành nền kinh tế đất nước của Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Hatôyama. Những rắc rối này có thể sẽ khiến DPJ cũng như Thủ tướng Hatôyama gặp bất lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới.

Mặc dù bước vào năm 2010 với không ít khó khăn, song nền kinh tế Nhật Bản đã có dấu hiệu khả quan. Theo dự báo, trong năm 2010 kinh tế Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 1,4%. Nhưng, điểm "nóng" vừa xuất hiện cả trên thương trường lẫn trên chính trường không thể không ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu châu Á cũng như chiếc ghế Thủ tướng của ông Hatôyama.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản phá sản: Cú đổ bể chấn động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.