Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phnom Penh choáng váng trong đau thương

Dương Hiệp - Nguyên An| 24/11/2010 06:53

(HNM) - 22h ngày 23-11, tại khu vực cầu bắc vào khu vui chơi phức hợp trên đảo Koh Pich (đảo Kim Cương), Thủ đô Phnom Penh, chúng tôi thấy có rất đông người dân vẫn tập trung tại đây. Họ mang theo phẩm oản, hoa quả và những nén hương thơm thành tâm cầu nguyện cho gần 400 nạn nhân xấu số trong tai nạn do hoảng loạn giẫm đạp lên nhau qua cầu.

Vào thời khắc chúng tôi có mặt tại cây cầu, lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tìm thấy một em nhỏ nằm cách khu vực xảy ra thảm họa khoảng 20m. Em nhỏ này được tìm thấy trong tình trạng người ngập bùn nhưng vẫn thoi thóp thở. Lực lượng cảnh sát hoàng gia Campuchia cùng nhân dân Thủ đô Phnom Penh đã nhanh chóng đưa nạn nhân ra xe cấp cứu.

Hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số tại cây cầu nơi xảy ra thảm họa. Ảnh: Dương Hiệp

Có mặt cùng PV Báo Hànộimới đến thời khắc này là rất nhiều các PV các hãng truyền thông lớn trên thế giới. Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, hiện đã có 8 nạn nhân người Việt Nam trong số gần 400 nạn nhân thiệt mạng. Điều này, trùng khớp với những thông tin lan truyền tại cộng đồng người Việt tại Phnom Penh.

Nhóm PV Báo Hànộimới vượt hàng ngàn cây số đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Ngay từ khi đặt chân đến cửa khẩu Mộc Bài vùng biên giới giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh của nước ta và nước bạn Campuchia những thông tin về thảm họa đã dồn dập đến. Đây được coi là cú sốc lớn đối với người dân nước bạn bởi nó xảy ra đúng vào dịp có tới hàng nghìn người dân tham gia lễ hội té nước truyền thống của Campuchia kéo về Thủ đô Phnom Penh. Từ Mộc Bài đến Phnom Penh trên quãng đường dài gần 200km đâu đâu cũng thấy bên đường người dân tổ chức thắp đèn và đốt những đống lửa nhỏ. Theo phong tục, đây là cách người dân xua đuổi tà ma. Những đốm lửa như được đốt to hơn, những ngọn đèn cũng được thắp lên nhiều hơn để người sống tưởng nhớ những người đã khuất.

Người nhà các nạn nhân đến nhận diện tử thi. Ảnh: Dương Hiệp/Hànộimới

Người dân Phnom Penh kể lại, vụ việc xảy ra vào đêm 22-11, khi những người bán bia dạo gần khu vực cầu chứng kiến có nhiều người ngất xỉu vì chen lấn qua cầu đã hốt hoảng la toáng lên. Hành động này vô hình dung kích động cả đám đông hoảng loạn chen lấn. Từng lớp người chồng lên người trong trạng thái hoảng loạn. Xe cứu thương hú còi inh ỏi trên đường phố, chạy liên tục tới bệnh viện để đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Bệnh viện trung tâm Calmette đầy ắp thi thể và bệnh nhân, nhiều người được chữa trị ngay tại hành lang vì hết phòng…

Công tác cứu hộ người chết đuối cũng đang được tiến hành khẩn trương đến tận thời điểm này. Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu trên truyền hình: "Đây là một sự kiện đau buồn, tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những gia đình có nạn nhân trong vụ tai nạn này". Theo Thủ tướng Hun Sen: "Đây là một thảm họa có số người chết lớn nhất kể từ sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ". Loại trừ khả năng diễn ra một cuộc tấn công khủng bố hiện tại, Chính phủ Campuchia cũng đang đẩy mạnh việc xác định danh tính của các nạn nhân để người nhà tới nhận. Đến cuối ngày 23-11, chúng tôi vẫn nghe trên sóng FM1 tần số 93.5 của Đài phát thanh Phnom Penh vẫn phát đi những thông điệp trên của chính phủ để trấn an người dân.

Hiện tại nhà chức trách Phnom Penh đã hé lộ nguyên nhân chính của thảm họa này là do tình trạng tắc nghẽn trên cây cầu có chiều rộng chỉ khoảng 12m, trong khi hàng trăm nghìn người đang chen lấn, tìm cách rời khỏi đảo. Đa phần các nạn nhân bị chết do ngạt thở và bị điện giật. Cũng theo thông tin từ nhà chức trách, đa số các nạn nhân là người dân sinh sống tại những khu vực ngoài thành phố Phnom Penh.

Những nạn nhân bị thương được cấp cứu.

Trong tối 23-11, các gia đình ở Thủ đô Phnom Penh vẫn đang tìm đến các nhà xác và bệnh viện với chút hy vọng tìm kiếm người thân bị mất tích. Sau một ngày hoảng loạn, kiệt sức về sốc tại bệnh viện Preah Kossamak một người phụ nữ gào khóc bên thi thể con gái và con rể: Người ta bảo với tôi là chúng muốn nhìn thấy khung cảnh vui tươi của lễ hội nhưng chúng đã không về nhà. Tôi tới thẳng bệnh viện và phát hiện 2 đứa đang nằm ở đây. Sem Sreyleak nói rằng: cũng đang tìm khắp các nhà xác trong thành phố để tìm cháu. Nó tới đây một ngày trước lễ hội té nước và giờ tôi không nghe tin tức về nó. Tới thời điểm này các con số thống kê cho thấy hơn 1.000 người lâm nạn trong thảm họa.

Đến hết ngày 23-11, dòng người vẫn đổ về nơi xay ra thảm họa, họ mang theo hoa trái, nến thơm và những nén nhang để tưởng nhớ những người xấu số. Hòa trong dòng người đó những nhà sư đứng âm thầm tụng kinh cầu nguyện trong sự thành kính của đám đông. Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã phong tỏa hiện trường và tiếp tục tổ chức tìm kiếm. Cùng với nhóm PV Báo Hànộimới, PV các hãng thông tấn nước ngoài vẫn tác nghiệp từ phía ngoài hàng rào bảo vệ. Hôm nay 24 -11, theo đúng tập tục người dân Campuchia sẽ tổ chức cúng ba ngày cho các nạn nhân. Ngày 25 - 11, theo tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen cả đất nước Chùa Tháp sẽ tổ chức quốc tang.

Khi chúng tôi rời hiện trường nhiều người dân Campuchia vẫn thẫn thờ nhìn xuống dòng nước bên cây cầu Koh Pich…

0 giờ ngày 24-11, tiếng còi xe cứu thương thi thoảng lại xé màn đêm. Nhiều người đang đau khổ tột cùng đang đợi tìm người thân lại nhớn nhác chạy ùa từ các góc phố ngó ra: Không biết nạn nhân vừa tìm được còn sống hay đã chết? Hôm nay sẽ lại là một ngày dài đau thương của Phnom Penh…

378 người chết, 700 người bị thương

Đến tối 23-11 đã có 378 người chết, khoảng 700 người bị thương trong vụ xô đẩy và giẫm đạp tại lễ hội đua thuyền diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia rạng sáng 23-11. Con số những người thiệt mạng có thể còn tăng cao. Thảm họa xảy ra trên cây cầu dẫn vào đảo Koh Pich (đảo Kim Cương) ở Phnom Penh, nguyên nhân chính là do tình trạng tắc nghẽn trên cây cầu có chiều rộng chỉ khoảng 12m, trong khi hàng trăm nghìn người đang chen lấn, tìm cách rời khỏi đảo.

* Đầu năm 2005, bang Maharashtra của Ấn Độ còn chứng kiến vụ giẫm đạp với số người chết lên tới 300 người và đều là các tín đồ Hindu giáo.

* Tại Ảrập Xêút, Tháng 1/2006, khoảng 364 người đã chết đúng dịp lễ Hajj, chỉ vì hành lý trên những chiếc xe buýt đang chạy rơi xuống đường trước lối vào một cây cầu ở Mina, khiến đám đông vấp ngã rồi hoảng loạn đè lên nhau. Thành phố Mina còn hứng chịu hai vụ giẫm đạp đẫm máu khác là vào tháng 1/2004, khi 251 người thiệt mạng chỉ trong vòng 27 phút đám đông giẫm đạp nhau trong lễ Hajj.

* Vụ giẫm đạp khủng khiếp nhất tại Ảrập Xêút và cũng có thể coi là tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới hiện đại xảy ra vào ngày 2/7/1990, khi có tới 1.426 người hành hương, chủ yếu là đến từ các nước châu Á, bỏ mạng khi chen lấn bên trong một đường hầm dẫn tới khu thánh địa Mecca. Đa phần số người chết là do bị ngạt do hệ thống thông gió của đường hầm bị phá hỏng trong cơn hỗn loạn.

* Vụ giẫm đạp có số người chết lên tới 1.000 còn tái diễn tại Baghdad của Iraq vào ngày 31/8/2005, khi có hàng chục nghìn người hành hương Hồi giáo dòng Shiite đổ về đây. Những người này đã bị xô đẩy cho đến chết, hoặc bị dồn xuống sông Tigris. Nguyên nhân chỉ vì xuất hiện tin đồn có đánh bom khiến đám đông bỏ chạy tán loạn. Nhiều người trong số thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phnom Penh choáng váng trong đau thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.