Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiếc ghế Thủ tướng Italia đang rung lắc

Quỳnh Dương| 10/11/2015 06:20

(HNM) - Chiếc ghế quyền lực của Thủ tướng Italia Matteo Renzi bắt đầu rung lắc khi các đảng cánh hữu đối lập tích cực liên kết nhằm chống lại đảng Dân chủ (PD) cầm quyền nhằm hướng đến một cuộc tuyển cử trước thời hạn.

Người biểu tình va chạm với cảnh sát ở thành phố Bologna.



Để thể hiện sức mạnh, ngày 8-11, các lực lượng cánh hữu đã tổ chức xuống đường quy mô lớn, kêu gọi cử tri cùng hợp sức để lật đổ Chính phủ trung tả của Thủ tướng Matteo Renzi. Hành động này diễn ra theo lời kêu gọi của thủ lĩnh đảng Liên đoàn Phương Bắc Matteo Salvini, với sự tham gia của đảng bảo thủ Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng phát xít mới Anh em Italia. Xô xát đã nổ ra giữa cảnh sát chống bạo động và các phong trào chống phát xít mới ở Bologna, làm nhiều người bị thương.

Trước đây, đảng Liên đoàn Phương Bắc, Forza và đảng Anh em Italia từng có thời gian chia rẽ nghiêm trọng về đường lối và thiếu một người lãnh đạo có uy tín. Liên đoàn Phương Bắc từng duy trì chính sách đối lập với PD và chính phủ; đồng thời phản đối việc Forza Italia thiếu một đường lối chống đối mạnh mẽ và dứt khoát với PD. Nhưng, gần đây Liên đoàn Phương Bắc đã cộng tác với Thủ tướng M.Renzi trong cải cách Hiến pháp. Tuy nhiên, khi các đảng theo xu hướng trung hữu liên kết với nhau trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở một số thành phố và vùng lớn của đất nước, hai đảng này đã lên kế hoạch liên minh với nhau trong các cuộc bầu cử thị trưởng vào năm tới ở bốn thành phố lớn nhất Italia là Rome, Milan, Naples và Bologna. Nếu cả ba đảng cánh hữu và bảo thủ của đất nước này cùng liên kết với nhau để thành một lực lượng cánh hữu chung, họ có thể tạo ra đe dọa lớn với đảng PD cầm quyền.

Trong khi đó, uy tín và hình ảnh của PD đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong thời gian qua do những bê bối tham nhũng liên quan đến các quan chức cao cấp của đảng này. Trong cuộc bầu cử địa phương mới đây, PD đã thất bại khi mất ghế thị trưởng ở một loạt thành phố, trong đó có nhiều thành phố từng được coi là "thành trì" của phe trung tả. Theo kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu dư luận IPSOS công bố ngày 9-11, chỉ có 38% cử tri đánh giá tích cực về Thủ tướng M.Renzi. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong nội bộ PD cũng tạo thêm nguy cơ làm suy yếu đảng này. Ngày 7-11, một nhóm hơn 40 nghị sĩ Quốc hội, trong đó có rất nhiều cựu thành viên PD bất đồng quan điểm với Thủ tướng M.Renzi đã thành lập một phong trào chính trị mới có tên gọi Sinistra Italiana (Cánh tả Italia). Mặc dù lực lượng này còn ít ỏi về số lượng, nhưng có thể sẽ lớn mạnh trong thời gian tới.

Theo các nhà phân tích, ông M.Renzi đắc cử đầu năm 2014 là nhờ sức mạnh xuất phát từ tính cách cá nhân. Thủ tướng trẻ nhất lịch sử đất nước bên bờ Địa Trung Hải là mẫu hình của sự thay đổi và nhiều cử tri đã tin rằng ông có thể mang tới một "Cuộc cách mạng mới" cho Italia. Thế nhưng, những gì mà Chính phủ của ông M.Renzi làm được trong thời gian qua được cho là quá ít so với những gì người dân mong mỏi; nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang có nguy cơ phải đương đầu với nhiều thách thức nặng nề. Do đó, những tháng tới sẽ là quãng thời gian hết sức khó khăn không chỉ với cá nhân Thủ tướng M.Renzi mà còn với toàn bộ nội các và đảng cầm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếc ghế Thủ tướng Italia đang rung lắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.