Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017: Thách thức của liên minh cánh tả

Thùy Dương| 08/12/2016 06:38

(HNM) - Thủ tướng Manuel Valls đã từ chức để chính thức tham gia cuộc đua vào điện Elysees chỉ 4 ngày sau khi Tổng thống Francois Hollande tuyên bố rút lui.

Ông M.Valls đã từ chức Thủ tướng Pháp để tham gia cuộc đua vào điện Elysees năm 2017.


Ông M.Valls là ứng viên đang chiếm được nhiều cảm tình của các đảng viên cánh tả trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới. Theo cuộc thăm dò dư luận do Hãng khảo sát Harris Interactive có trụ sở ở New York (Mỹ) thực hiện, có 24% cử tri mong muốn ông M.Valls sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe cánh tả vào tháng 1-2017. Từng là Thủ tướng nên chính trị gia 54 tuổi được cho là một nhà lãnh đạo có năng lực, mềm mỏng nhưng không kém phần quyết đoán trong việc xử lý các vấn đề khó khăn của nước Pháp. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, ông là một nhà kỹ trị độc đoán, có lập trường thân giới doanh nghiệp. Thế nhưng, xét về tổng thể, ông M.Valls được cho là có đủ phẩm chất để tiến xa trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Mặc dù vậy, xét dưới góc độ cuộc chạy đua vào điện Elysees năm tới, việc đương kim Tổng thống F.Hollande không ra tranh cử nhiệm kỳ hai đã đặt phe cánh tả mà đại diện là đảng PS cầm quyền đứng trước những lựa chọn khó khăn. Ngay cả khi cựu Thủ tướng M.Valls nhận được sự ủng hộ rộng rãi để có thể chiến thắng tại vòng bầu cử sơ bộ thì việc tập hợp lực lượng của phe cánh tả cho "trận đấu cuối cùng" đã là một thách thức.

Từ lâu, nội bộ đảng PS luôn có những người "bất mãn", chống lại các chính sách của Chính phủ như cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon. Chính đảng này còn bị chia rẽ sâu sắc do những bất đồng về một số chính sách kinh tế, chẳng hạn như Luật Lao động sửa đổi - một bộ luật đã khiến các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra. Cùng với đó là những bất đồng với các đồng minh cánh tả truyền thống như đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh (EELV) trong vấn đề đường lối phát triển kinh tế của nước Pháp. Thế nên, kể cả khi đã thắng vòng sơ bộ và đại diện cho cánh tả, thách thức tiếp theo với ông M.Valls cũng sẽ vẫn đến từ nội bộ, cụ thể là ở phe cực tả và phe “hữu” của cánh tả, vốn đang ủng hộ các ứng viên Jean-Luc Melenchon và Emmanuel Macron. Cả hai nhân vật nói trên đều tuyên bố sẽ không tham dự bầu cử sơ bộ cánh tả mà sẽ trực tiếp ra tranh cử Tổng thống. Vì thế, trở ngại lớn nhất với ông M.Valls là gắn kết được các phe phái trong liên minh cánh tả. Bên cạnh đó, sau nhiệm kỳ của ông F.Hollande, cánh tả Pháp được cho là yếu thế hơn cánh hữu và phe cực hữu trong cuộc đua vào điện Elysees sắp tới. Lý do là 4 năm qua, nước Pháp đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế không bền vững cùng tình trạng an ninh bất ổn với hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu diễn ra. Đây là những nguyên nhân mà các phân tích cho rằng nếu không có chiến lược đúng đắn, ông M.Valls có thể trở thành mục tiêu bị công kích của tất cả các bên, đồng nghĩa là cơ hội chiến thắng sẽ bị đe dọa.

Những chia rẽ bên trong đảng PS nói riêng hay phe cánh tả nói chung đang khiến liên minh cánh tả Pháp suy yếu trông thấy. Do vậy, trong cuộc chạy đua vào vị trí người đứng đầu nước Pháp, bên cạnh việc đưa ra chương trình tranh cử với những cam kết đáp ứng mong đợi của người dân, các ứng viên cánh tả phải đủ khả năng tập hợp lực lượng, đoàn kết mọi phe nhóm thì mới có thể hy vọng giành thắng lợi trước nhân vật cánh hữu đang lên là Francois Fillon. Đặc biệt là ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen, người luôn đề cao dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nhưng lại có sức hút lớn trong bối cảnh nước Pháp phải đối mặt với các thách thức khủng bố và nhập cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017: Thách thức của liên minh cánh tả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.