Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức cho doanh nghiệp Mỹ

Thùy Dương| 21/04/2017 06:29

(HNM) - Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh thắt chặt việc cấp thị thực cho người lao động nước ngoài để khuyến khích các công ty sử dụng lao động trong nước.

Cụ thể, sắc lệnh kêu gọi “thực thi nghiêm ngặt tất cả luật lệ liên quan đến việc nhập cảnh vào Mỹ của lao động nước ngoài nhằm tạo mức lương cao hơn và tỷ lệ việc làm cao hơn cho người lao động ở Mỹ”.

Việc Mỹ thắt chặt quá trình cấp visa cho người lao động nước ngoài sẽ là thách thức cho các công ty lớn của Mỹ.


Văn bản này nhắm vào chương trình thị thực cho lao động có chuyên môn cao H-1B mà theo Nhà Trắng đã giúp đưa một lượng lớn lao động nước ngoài với giá thuê thấp hơn vào xứ Cờ hoa, lấy đi công việc của người Mỹ và làm giảm giá nhân công ở nước này. Bằng sắc lệnh trên, lao động nước ngoài sẽ khó đến Mỹ làm việc hơn trước. Điều này buộc các công ty phải thuê lao động trong nước nhiều hơn, từ đó “trao trả lại việc làm cho người Mỹ”.

Từ đầu những năm 1990, thị thực H-1B đã giúp các công ty Mỹ tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao giá rẻ từ nước ngoài. Đây là loại thị thực không định cư, cho phép công ty Mỹ tuyển dụng nhân sự nước ngoài làm việc tại nước này lên đến 6 năm. H-1B được áp dụng cho những cá nhân người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như công nghệ thông tin, y học, kỹ thuật... Chính phủ Mỹ mỗi năm chỉ cấp 65.000 thị thực H-1B thông qua chương trình xổ số (lựa chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ đơn nhận được), bên cạnh 20.000 thị thực dành riêng cho người có bằng thạc sĩ trở lên. Sau khi được cấp thị thực H-1B, người lao động có thể đăng ký nhận thẻ xanh. Việc này giúp H-1B trở thành con đường phổ biến để người nhập cư tiếp tục làm việc và định cư tại Mỹ. Các công ty công nghệ của Mỹ cho rằng chương trình H-1B là cần thiết vì nó khuyến khích các sinh viên ở lại Mỹ sau khi được đào tạo các ngành kỹ thuật cao trong bối cảnh không thể tìm được đủ số lao động người Mỹ có những kỹ năng cần thiết.

Những người phản đối chương trình thị thực H-1B cho rằng phần lớn thị thực theo chương trình này được cấp cho những công việc lương thấp tại các công ty thuê ngoài, trong đó có nhiều công ty có trụ sở ở Ấn Độ. Điều này khiến người Mỹ mất việc làm, tiền lương giảm xuống và ít cơ hội được đào tạo trong những lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Nói cách khác, doanh nghiệp Mỹ đang dùng H-1B như một lỗ hổng thu hút nguồn lao động giá rẻ nước ngoài thay vì thuê lao động Mỹ. Quy chế H-1B cũng bị cho là gây tổn hại cho chính lao động nước ngoài bởi họ sẽ phải chấp nhận các điều kiện làm việc tiêu cực, nếu không muốn mất việc và phải về nước.

Mặc dù vậy, từ trước đến nay H-1B luôn được xem là loại giấy thông hành giúp các doanh nghiệp lớn của Mỹ, đặc biệt là những ngành như công nghệ và tài chính có thể thu hút du học sinh, hay các nhân sự trình độ cao từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc. Do đó, khi những quy định hạn chế với thị thực H-1B được ban bố đã làm dấy lên băn khoăn liệu nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục hưởng lợi lớn như hiện nay. Các tập đoàn Mỹ, đặc biệt là giới công nghệ là bộ phận phản ứng dữ dội nhất vì thực tế có tới 2/3 số lao động mang thị thực H-1B đã đến với Thung lũng Silicon. Những doanh nghiệp này đang bị đe dọa sẽ mất đi sức cạnh tranh nếu không còn hấp dẫn được lao động nước ngoài.

Lịch sử phát triển của nước Mỹ ghi nhận sự đóng góp rất lớn của người nhập cư. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Chính sách quốc gia Mỹ, hơn 50% công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên có ít nhất một nhà sáng lập là người nhập cư. Tuy nhiên, giờ đây vấn đề đang trở nên khó khăn sau quyết định hạn chế cấp thị thực cho lao động nước ngoài có tay nghề cao của ông chủ Nhà Trắng. Hiện chưa rõ sắc lệnh mới nhất của Tổng thống D.Trump có dẫn đến kết quả tức thời nào hay không nhưng việc thắt chặt thị thực lao động nước ngoài chắc chắn sẽ là một thách thức cho nhiều tập đoàn của Mỹ vốn xem sự tham gia của nhân công ngoại quốc là động lực lớn cho sự thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức cho doanh nghiệp Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.