Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phủ bóng bởi nguy cơ chiến tranh thương mại

Hoàng Linh| 23/07/2018 06:09

(HNM) - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ ba năm 2018 đã khai mạc tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) ngày 21-7.

Hội nghị lần này tập trung vào các chủ đề nổi bật và cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại về sự bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Những tác động từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU và Trung Quốc là nội dung lớn được thảo luận tại hội nghị.


Thực tế, lo ngại về chiến tranh thương mại đã phủ bóng lên hội nghị ở Buenos Aires. Trong phát biểu của mình, bên cạnh việc yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường để Mỹ có thể cạnh tranh công bằng và tăng xuất khẩu, Bộ trưởng Tài chính S.Mnuchin thẳng thừng tuyên bố, Mỹ sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại tự do với EU, nhưng không được có thêm bất cứ loại thuế, rào cản phi thuế quan hay sự hỗ trợ nào đi kèm. Phát biểu này ngay lập tức vấp phải những phản ứng quyết liệt từ các nước châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp B.Le Maire thậm chí cho rằng, chính sách thương mại dựa trên những áp đặt về thuế của Mỹ hiện nay là “luật rừng” và khẳng định sẽ không đàm phán trong điều kiện có “một khẩu súng dí vào đầu” như vậy. Ông Le Maire tuyên bố Mỹ cần phải có bước đi đầu tiên nếu muốn giảm căng thẳng, bởi nếu không "châu Âu sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp trả đũa".

Những tranh cãi nảy lửa đã dẫn tới nhận định rằng, các quốc gia giờ đây cần đánh giá đúng mức nguy cơ của cuộc chiến tranh thương mại đang hiển hiện và đã bắt đầu có những tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Đáng ngại hơn, những thiệt hại đầu tiên sẽ đến từ việc niềm tin bị lung lay do những nghi ngại về sự bất định trong chính sách thương mại của các nước lớn, chứ chưa cần bất cứ bên nào có hành động cụ thể. Đây cũng là lý do khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải lên tiếng cảnh báo làn sóng áp thuế và những tác động gián tiếp của nó sẽ ảnh hưởng một cách đáng kể tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Tổ chức này nhận định, GDP thế giới có thể tăng trưởng tối đa là 3,9% trong năm 2018 và 2019, song mối đe dọa suy thoái vẫn sẽ hiện hữu vì những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng giữa các nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những căng thẳng, hội nghị cũng đạt được nhiều đồng thuận quan trọng, điển hình là vấn đề tiền "số". Trong thời gian qua, sức hấp dẫn của đồng tiền này đã thu hút làn sóng đầu tư đông đảo khắp các nước trên thế giới, đồng thời kéo theo những lo lắng về tình trạng rửa tiền, tội phạm mạng, đầu cơ... Trong bối cảnh ấy, các nhà lãnh đạo tài chính G20 cho rằng, tiền "số" không phải là tiền mà là một loại tài sản, nên giao dịch tiền "số" sẽ được coi là giao dịch tài sản, tức là sẽ bị đánh thuế và cần được quản lý bằng các khuôn khổ pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, tại hội nghị, Ủy ban Ổn định tài chính toàn cầu (FSB) chưa tán thành yêu cầu trên mà cho biết trước hết cần xem xét lại các quy định hiện tại.

Cũng tại các cuộc họp kín trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề khác như công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thuế và tài chính bao trùm, tương lai của việc làm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển... Trong những trao đổi này, nhìn chung các thành viên G20 đều thể hiện rõ quyết tâm đạt được đồng thuận. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi để các nước hoàn tất những đề xuất, kiến nghị trình lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Argentina.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phủ bóng bởi nguy cơ chiến tranh thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.