Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ đồng minh rạn nứt

Minh Hiếu| 04/09/2018 06:07

(HNM) - Lầu Năm Góc vừa đưa ra quyết định hủy bỏ khoản viện trợ trị giá 300 triệu USD cho Pakistan khiến mối quan hệ vốn đã không êm đẹp giữa hai bên trong thời gian qua càng thêm rạn nứt.

Mỹ cắt giảm viện trợ với lý do Pakistan đã thiếu các hành động kiên quyết trong cuộc chiến chống khủng bố.


Cuộc chiến chống khủng bố được phát động sau sự kiện 11-9-2001 đã khiến Pakistan trở thành đối tác thân cận của Mỹ. Song quan hệ hai nước dần mất đi sự nồng ấm khi Mỹ gia tăng yêu cầu buộc Pakistan phải ngăn chặn các phần tử cực đoan sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các cuộc tấn công vào nước láng giềng Afghanistan. Mỹ nhiều lần chỉ trích Pakistan gián tiếp trao nơi ẩn náu an toàn cho các tay súng tham gia cuộc chiến tại Afghanistan và cho phép chúng thực hiện tấn công qua biên giới, bởi Islamabad chưa chứng minh được sự quyết liệt trong việc xóa bỏ các mạng lưới cực đoan.

Đây cũng là lý do được Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra nhằm lý giải cho động thái cắt giảm viện trợ cho Pakistan. Như vậy, cùng với việc hủy bỏ khoản viện trợ trị giá 500 triệu USD vào tháng 1 vừa qua, tổng số tiền viện trợ dành cho Pakistan bị Washington cắt giảm đã lên tới 800 triệu USD. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm viện trợ quân sự dành cho Pakistan mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố từ đầu năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mehmood Qureshi lập luận, 300 triệu USD không phải là khoản viện trợ hay hỗ trợ. Đó là số tiền Mỹ phải bù đắp cho những tổn thất về nguồn lực kinh tế và con người mà nước này đã bỏ ra để đóng góp vào cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan, hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định của khu vực. Các quan chức Pakistan nhấn mạnh, khoản tiền trên cũng là chi phí bảo trì các tuyến đường bộ và đường hàng không của quốc gia mà Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã sử dụng để cung cấp viện trợ cho quân đội của họ ở Afghanistan.

Giới quan sát nhận định, quyết định của Lầu Năm Góc được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm, khi tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan vừa nhậm chức và đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về kinh tế. Chính phủ quốc gia Nam Á đang cân nhắc liệu có đưa ra đề nghị khoản vay trị giá 12 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm xoa dịu áp lực từ các nguồn dự trữ ngoại tệ đang dần cạn kiệt và hoàn trả các khoản vay nước ngoài khác. Vì vậy, đây có thể là bước đi của Washington nhằm gây áp lực, buộc Pakistan có sự nhượng bộ ngay trước thềm chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford đến Islamabad với nội dung thảo luận chính là cuộc chiến chống khủng bố.

Các chuyên gia lo ngại, động thái mới của Washington sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới những nỗ lực hòa bình trong khu vực khi Pakistan có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan ở Afghanistan. Thêm vào đó, để giảm phụ thuộc vào Mỹ, Pakistan nhiều khả năng sẽ phải tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược từ nhiều nước khác. Trong một thỏa thuận hợp tác vào tháng trước, Nga đã đồng ý huấn luyện các sĩ quan quân đội Pakistan tại các tổ chức, cơ sở quân đội của mình nhằm tìm kiếm mối quan hệ song phương gần gũi hơn. Trung Quốc cũng thực hiện hàng loạt hoạt động tăng cường quan hệ với Pakistan trên nhiều lĩnh vực, đầu tư hàng tỷ USD giúp nước này vượt qua những thách thức về kinh tế và năng lượng.

Vấn đề trợ cấp chống khủng bố chắc chắn sẽ tiếp tục được đưa ra trong chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo. Tân Thủ tướng I.Khan kỳ vọng, đây là cơ hội để hai nước tìm kiếm mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hướng tới các mục tiêu chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ đồng minh rạn nứt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.