Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán cân mới trong cục diện quốc tế

Thùy Dương| 07/11/2018 06:25

(HNM) - Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga và Trung Quốc đang thảo luận các biện pháp mới để thúc đẩy thương mại song phương bằng cách sử dụng tiền tệ của nhau.

Thủ tướng Nga D.Medvedev (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải ngày 5-11.


Phát biểu tại buổi khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế Trung Quốc đầu tiên, được tổ chức tại Thượng Hải hôm 5-11, Thủ tướng D.Medvedev cho biết ông hoan nghênh việc tăng cường vay lẫn nhau bằng đồng nội tệ, bao gồm các khoản vay thực hiện các dự án đầu tư. Việc này mở đường cho sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế cũng như cho việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại. Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế viễn Đông tại TP Vladivostok (Nga) hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ hai nước dự định sử dụng đồng nội tệ của nhau thường xuyên hơn trong các giao dịch thương mại song phương. Theo nhà lãnh đạo Nga, những biện pháp như vậy sẽ làm gia tăng sự ổn định của các ngân hàng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu giữa lúc các rủi ro liên tục xuất hiện. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định hai nước nên cùng hợp tác để chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và lối tiếp cận đơn cực đối với các vấn đề quốc tế của một số nước khác. Vào tháng 5 vừa qua, Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga đã công bố kế hoạch phát triển những khoản vay bằng nhân dân tệ cho các công ty trong nước. Chính phủ Nga cũng đang thực hiện kế hoạch loại bỏ đồng USD do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào các tổ chức tài chính của Mátxcơva. Trong khi đó, Bắc Kinh lại vướng vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng với Washington, xuất phát từ chính sách áp thuế nặng của Tổng thống Mỹ Donald Trump với hàng hóa Trung Quốc.

Quan hệ kinh tế gần gũi hơn là mục tiêu mà cả Nga và Trung Quốc đều tìm kiếm từ năm 2014, khi Nga bắt đầu bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nga khi đó đã phải tìm kiếm các nguồn tài chính thay thế cho tuyến huyết mạch bị phương Tây cắt đứt trong điều kiện giá dầu thế giới lao dốc. Năm 2014, Nga ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt có thời hạn 30 năm, trị giá tới 400 tỷ USD cho Trung Quốc. Văn bản này đã đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai bởi Trung Quốc đang trong "cơn khát" năng lượng và không muốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Trung Đông.

Theo các nhà phân tích, có một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc và Nga có ưu thế lớn để bổ sung cho nhau nên cần đi sâu hợp tác và thực hiện phát triển chung. Trung Quốc là nước lớn mới nổi phát triển nhanh, đóng vai trò là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Nga có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt, đất đai và nước ngọt. Hai nước cũng đang cùng phát huy tốt vai trò đầu tàu trong việc xây dựng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và hợp tác kết nối "Vành đai và con đường”.

Có thể nói quan hệ Nga và Trung Quốc đang ở trong trạng thái tốt đẹp. Vì lẽ đó mà trong cuộc hội kiến với Thủ tướng D.Medvedev ngày 5-11 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng đối mặt với cục diện quốc tế phức tạp như hiện nay thì nhiệm vụ giữ vững quan hệ, củng cố hợp tác chiến lược Trung - Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong khi đó, Thủ tướng D.Medvedev khẳng định Nga sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc triển khai hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực cũng như tăng cường điều phối, phối hợp trong các vấn đề toàn cầu. Sự hợp tác này thực sự đang tạo ra cán cân mới trong cục diện quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán cân mới trong cục diện quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.