Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cựu thủ môn Hà Bôn: Hơn cả những đam mê

Thùy An| 28/03/2010 08:43

(HNM) - Căn nhà nhỏ trên phố Kim Mã, gần Đại sứ quán Thụy Điển của vợ chồng cựu thủ môn Hà Bôn từ lâu đã trở thành địa chỉ thân thuộc của nhiều cựu cầu thủ và cả những cầu thủ đương thời. Khách đến đó không chỉ bởi ông bà chủ nhà mến khách mà còn vì cái thú sưu tầm những kỷ vật bóng đá trong và ngoài nước của cựu thủ môn Quân khu Việt Bắc Hà Bôn.

Cựu thủ môn Hà Bôn với những kỷ vật.


Trai Hà thành tài hoa
Hà Bôn là trai Hà thành chính gốc. Tuổi thơ của ông là những buổi quần thảo với trái bóng trên những sân bóng gần nhà, nhất là ở sân Long Biên. Ông không cao, chỉ 1m65 nhưng từ bé đã "đóng đinh" với vị trí thủ môn, nơi mà sức bật và phản xạ, khả năng ra vào chọn vị trí trời cho được phát huy tối đa. Cũng vì đam mê bóng đá mà học hết phổ thông ông đã tham gia vào đội Sở Thuế vụ rồi Đường sắt Việt Nam. Đến khi nhập ngũ, ông được điều lên đội Quân khu Việt Bắc, nơi mà vị trí số 1 của ông trong khung thành là không bàn cãi. Thời ấy mỗi khi đội Quân khu Việt Bắc chuẩn bị thi đấu, 2 thủ môn dự bị cao to thường gây chú ý với người xem nhưng khi vào trận lại là một Hà Bôn nhỏ thó trong khung thành. Chiều cao 1m65 không lý tưởng với một thủ môn nhưng không phải là vấn đề với Hà Bôn, bởi bắt bóng bổng cũng như những pha xuất tướng khỏi khung gỗ lại là thế mạnh của ông. Chẳng thế mà nhiều người mến mộ tài năng ông. Cựu thủ môn Thể Công Trần Văn Khánh và anh trai Trần Văn Thành (cựu thủ môn CA Hà Nội) ngày bé lúc ở Thái Nguyên cũng thường chui rào vào sân để xem "chú" Hà Bôn thi đấu. Khi trưởng thành, ông Khánh cũng có nhiều dịp học hỏi các ngón nghề của ông Hà Bôn. Sau này Trần Văn Khánh vẫn gọi ông Hà Bôn bằng "thầy" một cách trân trọng. Đối với ông, bóng đá mang lại cho ông nhiều thứ. Ngay cả việc biết lái xe cũng từ hồi thi đấu cho Quân khu Việt Bắc. Khi giải nghệ, với vốn tiếng Pháp và chiếc bằng lái, ông được cử lái xe cho Đại sứ quán Đức. 35 năm làm việc tại đây, qua 11 đời đại sứ, ông được tin cậy hệt như thời còn thi đấu - luôn là vị trí số 1 trong khung thành.

Tài là vậy, cách cư xử của ông với đồng nghiệp, đàn em bao giờ cũng đúng mực. Chẳng biết từ bao giờ, giới cựu cầu thủ đã trân trọng gọi ông với biệt danh thân mật "bác Cả". Anh em chiến hữu, bạn bè của ông nhiều vô kể. Trong số này có HLV CLB Bình Dương hiện nay - Mai Đức Chung. Ông Chung "xe ca" là đàn em thân thiết rồi gần đây lại là thông gia với anh Hà Bôn.

Đam mê dài theo năm tháng
Khi nghỉ hưu vào năm 2000, nhìn những kỷ vật đang lưu giữ, ông nảy ra ý định trưng bày trong nhà. Bạn bè đến nhà nhìn thấy rồi cũng hưởng ứng theo thú vui của ông. Thế rồi có gì liên quan đến bóng đá họ đều mang đến nhà ông một cách tự nguyện. Những kỷ vật cứ đầy lên để rồi tầng 1 chứa không đủ và bây giờ tầng 3 nhà ông đã chật kín những áo, bóng, găng tay và cơ man là ảnh về những cựu danh thủ một thời vang bóng cũng như về đội tuyển quốc gia qua các thời kỳ… Trong số ấy có nhiều hàng độc, đáng kể nhất phải kể đến quả bóng trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 mà Công Vinh đã đánh đầu vào lưới Thái Lan. Khi ấy, trong lúc người người vui mừng, trọng tài Trương Thế Toàn đã nhanh tay nhặt quả bóng này để mang về tặng ông Hà Bôn. Tặng được kỷ vật quý giá ấy, Trương Thế Toàn mới nhẹ người vì trước đó chưa biết tặng kỷ vật bóng đá quý giá nào cho "bác Cả". Ngoài quả bóng này, trong nhà ông Bôn còn có vài chục quả bóng khác trải dọc cầu thang và đều gắn với những kỷ niệm của người tặng. Đấy là trái bóng có chữ ký của toàn bộ Đội tuyển U22 vô địch Merdeka Cup 2008, là 2 quả bóng có chữ ký của toàn bộ cầu thủ Bình Dương vô địch quốc gia 2007, 2008 do đích thân HLV Lê Thụy Hải mang tặng... Về làm việc ở Ninh Bình, ông Hải cũng hứa là sẽ tặng quả bóng có chữ ký của toàn bộ cầu thủ trong đội cho "bác Cả" - một trong số ít người được vị HLV đầy cá tính này hết sức tôn trọng...

Ngoài những kỷ vật bóng đá trong nước, ông cũng có vô khối kỷ vật bóng đá nước ngoài. Khăn quàng cổ của các CLB nước ngoài, nhà ông chất đầy tủ trưng bày. Gần đây nhất, người quen từ bên Anh cũng gửi về cho ông tạp chí của CLB Manchester United, trong đó có chữ ký của thủ môn Van der Sar, người được ông rất thích về tài năng. Nhưng vật quan trọng nhất trong số này là bức hình thủ môn huyền thoại người Đức P.Schumacher có chữ ký gửi tặng ông. Chuyện xảy ra cách đây đã lâu, khi ông đang làm cho Đại sứ quán Đức. Vị Đại sứ Đức lúc ấy là bạn của thủ môn Schumacher, biết ông hâm mộ Schumacher đã làm cầu nối để cả hai người gửi ảnh cùng chữ ký, lời đề tặng cho nhau. Đối với ông Hà Bôn, kỷ vật này không gì quý bằng và ông luôn coi đó là điểm nhấn trong phòng trưng bày của mình...

Cho mai sau...
Ông may mắn vì thú vui, niềm đam mê của mình được vợ con, bạn bè, lớp đàn em chia sẻ. Thế nên ông mới có một căn nhà trưng bày những kỷ vật bóng đá có một không hai ở Việt Nam. Điều ấy càng khiến ông tiếp tục quá trình tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật bóng đá không chỉ của thời hiện đại mà còn của quá khứ, nhất là thời bao cấp, từ đôi giày, bộ quần áo, quả bóng thi đấu, cờ thưởng... Ông bảo rằng, những kỷ vật bóng đá kia rồi có ngày sẽ được trao lại cho đứa cháu đích tôn mà ông đang hướng theo con đường bóng đá đỉnh cao. "Soi vào đấy, nó và những bạn đồng lứa hoặc thế hệ sau, sẽ biết về một thời đầy sôi động của những thế hệ trước. Và biết đâu đam mê của chúng sẽ nhân lên để làm được những điều mà thế hệ trước chưa làm được!" - ông chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu thủ môn Hà Bôn: Hơn cả những đam mê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.