Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các đô vật nữ sẽ tiếp tục lập kỳ tích?

Mai Hoa| 18/04/2016 08:13

(HNM) - Vật là môn chịu nhiều thiệt thòi do kinh phí đầu tư hạn hẹp, nhưng thành công và tính hiệu quả mà các VĐV giành được thực sự đáng khâm phục, rõ nhất là 2 tấm vé dự Olympic 2016. Ngày 18-4, đội tuyển vật tiếp tục tranh tài ở Giải vòng loại Vô địch thế giới lần thứ nhất tại Mông Cổ.

Đô vật Phạm Thị Loan (trái) hiện không có đối thủ tại các giải trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á.


Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với HLV trưởng đội tuyển Đới Đăng Hỷ để nhìn nhận rõ hơn về cơ hội lập thành tích của các VĐV.

- Ông có thể chia sẻ về thành phần đội tuyển vật và cơ hội của các đô vật nữ tham dự Giải vòng loại thế giới lần thứ nhất tới đây?

- Do kinh phí có hạn nên chúng ta chỉ cử 4 đô vật, gồm 2 VĐV vật tự do nữ và 2 VĐV vật tự do nam. Trong đó, chúng tôi đặt kỳ vọng vào Kiều Thị Ly và Phạm Thị Loan. Ly là đô vật trẻ, vừa giành HCV hạng 58kg Giải vô địch Châu Á lứa tuổi 18-20 tại Thái Lan. Ở giải này, Ly đã thắng cả những đô vật giỏi của Nhật Bản, Mông Cổ. Còn Loan là một gương mặt có bề dày thành tích trong đội tuyển, thi đấu ở hạng 63kg…

Vòng loại thế giới lần thứ nhất diễn ra từ ngày 18 đến 22-4. Phải sang đến Mông Cổ mới bốc thăm xếp cặp đấu, nên chưa thể nói nhiều về đối thủ. Các nước đều cử lực lượng đông và hùng hậu với sự chuẩn bị chu đáo về chuyên môn. Do mỗi hạng cân chỉ lấy 2 đô vật nhất, nhì, nên nếu muốn giành vé dự Olympic, các VĐV phải khẳng định được bản lĩnh vượt trội. Chắc chắn các trận đấu sẽ rất căng thẳng.

- Vì sao vật là môn không được đầu tư nhiều về kinh phí nhưng hiệu quả thì ngược lại, thưa ông?

- Tôi nghĩ đó là nhờ tài năng, nỗ lực của các VĐV, cũng như sự tính toán chiến thuật phù hợp của Ban huấn luyện (BHL). Kỳ Olympic năm 2012, Nguyễn Thị Lụa thi đấu ở hạng cân 48kg. Sau đó, Vũ Thị Hằng xuất hiện như một nhân tố mới, cũng ở hạng cân này. Sau đó, BHL đã cân nhắc, quyết định đôn Lụa lên hạng 51kg và Lụa đã có những thành tích đáng nể ở đấu trường châu lục. Tuy nhiên, hạng 51kg không có trong nội dung thi đấu của Olympic, nên sau đó, BHL một lần nữa đôn Lụa lên hạng 53kg và thật tuyệt vời là với sự bố trí này, cả Hằng và Lụa đều cùng có mặt tại Olympic Rio 2016.

- Để có thành công bước đầu kể trên, BHL và các VĐV đã phải trải qua không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ điều này với bạn đọc Báo Hànộimới được chăng?

- Có nhiều khó khăn lắm, nhưng dễ thấy nhất là trong quá trình thi đấu, mỗi VĐV nước khác thường có nhiều bác sĩ, săn sóc viên phục vụ, còn mình chỉ có thầy trò hỗ trợ nhau hồi phục. Vật là môn đối kháng, không tính điểm mà tính bằng huy chương, mọi sự đều thể hiện trên sàn đấu, phụ thuộc vào phong độ và trình độ của VĐV. Vì vậy, việc chăm sóc VĐV trước và sau khi trận đấu kết thúc rất quan trọng. Chúng ta cần có sự đầu tư bài bản, thực sự chu đáo và đầy đủ nếu muốn chinh phục huy chương Olympic.

- Từng là đô vật giành nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam, nay cũng gặt hái khá nhiều thành công trên cương vị HLV, ông nghĩ chúng ta phải làm gì để phát huy thành tích của các đô vật?


- Nhiều ý kiến cho rằng, nên để VĐV tập huấn tại nơi có trình độ cao hơn. Nhưng phải thấy là trình độ các đô vật nữ của ta đâu có thấp. Nếu sang tập huấn tại nơi mới có trình độ cao, chắc gì các em đã được tập cùng đội tuyển quốc gia của họ. Trong khi đó, chúng ta chỉ còn ít thời gian trước thềm Olympic. Tôi nghĩ, điều cần thiết lúc này đối với các em là tránh chấn thương, bảo đảm sự ổn định trong tập luyện ở địa điểm tập huấn quen thuộc, hỗ trợ nâng cao thể lực để thực hiện tốt chiến thuật của HLV đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đô vật nữ sẽ tiếp tục lập kỳ tích?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.