Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2018: Bảo đảm thành công ngay khi chuẩn bị

Minh Quang| 10/03/2018 07:23

(HNM) - Công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 đang trong guồng quay hối hả. Tất cả cùng hướng đến sự thành công ngay từ bước đi ban đầu, cả về khâu tổ chức lẫn chuyên môn để khẳng định vị thế hàng đầu cả nước của thể thao Thủ đô.

Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức - công trình được cải tạo phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc 2018. Ảnh: Hải Anh


Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất

Những ngày đầu tháng 3-2018, công trình Nhà thi đấu Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao (Trung tâm VH-TT-TT) quận Tây Hồ đang vào giai đoạn hoàn thiện. Công trình đã mang lại góc nhìn khác hẳn cho nơi này - điểm dự kiến đăng cai ít nhất 2 môn thi đấu thuộc Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Trước đây, Nhà thi đấu này xuống cấp nghiêm trọng, nhưng từ khi Hà Nội được giao quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất toàn quốc, công trình đã được quận Tây Hồ đầu tư mạnh mẽ để cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục, góp phần "hút" nhiều giải đấu thể thao về đây tranh tài.

Nhà thi đấu quận Tây Hồ chỉ là một trong 22 công trình thể thao tại Hà Nội được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc. Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội thành phố cho biết, Ban được giao làm chủ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 10 công trình thể thao cấp thành phố. Đến nay, 9 công trình đã được thi công, trong đó, công trình bể bơi hầu như đã hoàn tất; 8 công trình còn lại như Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, sân bi sắt, sân tập điền kinh của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội… đang được thi công khẩn trương để bảo đảm tiến độ.

Riêng sân bóng chuyền bãi biển sẽ được thi công vào tháng 4-2018. Những công trình do Ban làm chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thiện cuối tháng 6-2018, trước 5 tháng so với ngày khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Ngoài ra, còn 12 công trình thể thao cấp quận, huyện cũng được nâng cấp, sửa chữa để phục vụ sự kiện nói trên. Được biết, nguồn kinh phí xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 22 công trình thể thao phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 của Hà Nội lên đến hơn 172 tỷ đồng. Rõ ràng, việc sự kiện lớn này diễn ra tại Thủ đô đã giúp đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao của thành phố và các quận, huyện.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao đã ghi nhận những nỗ lực của Hà Nội trong việc đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, trong đó có việc tập trung đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu dù còn phải thực hiện nhiều mảng việc khác về vấn đề an sinh xã hội.

Tận dụng nhiều cơ hội

Sau 16 năm, Đại hội Thể thao toàn quốc mới quay lại Hà Nội và tập trung thi đấu trong thời gian ngắn. Một trong những cơ hội được chỉ ra khi Hà Nội đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc chính là việc sẽ đón tiếp khoảng 1 vạn huấn luyện viên, vận động viên, nhà quản lý, đội ngũ trọng tài... Điều đó mở ra không ít cơ hội cho ngành Du lịch, kinh doanh khách sạn, phương tiện vận chuyển.

Theo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, Đại hội có 36 môn thi đấu, diễn ra cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2018. Hà Nội là địa điểm tổ chức chính, còn tỉnh Hòa Bình là địa điểm tổ chức môn xe đạp địa hình.

Lễ khai mạc và bế mạc Đại hội sẽ diễn ra trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Trong các địa điểm thi đấu tại Hà Nội, Cung Thể thao Quần Ngựa tổ chức nhiều môn thi nhất (4 môn).


Trong cuộc họp về kế hoạch chuẩn bị Đại hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tập hợp các thông tin cần thiết về hệ thống khách sạn ở Hà Nội, đặc biệt gần địa điểm thi đấu, để các đoàn tham dự dễ bề lựa chọn. Đây cũng là cơ hội lớn của các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lữ hành, phương tiện vận chuyển gia tăng doanh thu. Như vậy, việc đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc không chỉ phục vụ mục đích chuyên môn mà còn là cơ hội để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô nói chung.

Trong khi đó, với khâu xã hội hóa, việc kêu gọi tài trợ phục vụ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nhà tổ chức. Thực tế từ trước tới nay, vấn đề này chưa bao giờ là việc dễ. Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 diễn ra tại Hà Nội, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn là cơ hội thuận lợi cho ngành Thể thao Thủ đô trong việc kêu gọi tài trợ. Nhưng điều quan trọng là Ban Tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 đã có phương án cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa nhằm giảm tối đa nguồn kinh phí Nhà nước khi tổ chức sự kiện, tạo nên sự khác biệt so với các kỳ đại hội trước.

Quãng thời gian từ nay đến ngày khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 không còn nhiều, cần có bước đi mạnh mẽ, khẩn trương trong công tác tổ chức. Tất cả nhằm khẳng định vị thế hàng đầu cả nước của thể thao Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc 2018: Bảo đảm thành công ngay khi chuẩn bị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.