Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động tìm kiếm nguồn

Mai Hoa| 15/04/2018 07:33

(HNM) - Chủ động tìm kiếm nguồn lực xã hội hóa để phát triển các môn thể thao là xu thế tất yếu, thay vì phụ thuộc vào


VĐV Nguyễn Thảo My - gương mặt xuất sắc của golf Hà Nội.


Những bước đi ấn tượng

Tháng 12-2017, golf thủ Đoàn Xuân Khuê Minh (Hà Nội) ghi danh trong lịch sử làng golf Việt Nam khi giành ngôi vô địch Giải Golf nữ quốc gia ở tuổi 14. Trước đó, golf thủ này cũng vượt qua các đàn chị để trở thành golfer trẻ tuổi nhất tham dự SEA Games năm 2017.

Nổi danh sớm hơn Khuê Minh là Nguyễn Thảo My - vận động viên (VĐV) Hà Nội đã giành học bổng của một trường đại học lớn ở Mỹ từ vài năm trước và ngày càng trưởng thành ở các giải golf quốc tế. Chưa đầy 8 năm kể từ khi thành lập bộ môn golf, đến nay, bên cạnh những gương mặt nổi trội ở cấp độ quốc tế và quốc gia, Hà Nội còn có lực lượng trẻ triển vọng với Nguyễn Nhất Long, Nguyễn Vũ Quốc Anh, Đoàn Uy, Trần Minh Kiên... trong độ tuổi 9-14. Nhiều khả năng một số VĐV Hà Nội sẽ có tên trong đội hình đội tuyển golf Việt Nam dự ASIAD 18-2018. Golf Hà Nội làm được điều đó trong bối cảnh phải thuê sân tập, huy động nguồn tài trợ cho việc tập huấn, thi đấu. Quá trình xây dựng lực lượng chủ yếu nhờ nguồn lực xã hội hóa.

Với bowling, chi phí tập luyện đắt đỏ chẳng kém golf, chưa kể việc phải thuê sân, thuê chuyên gia. Nhưng tại Giải các Câu lạc bộ mạnh toàn quốc tháng 11-2017 ở Bình Dương, đội tuyển bowling Hà Nội có chưa đến 10 VĐV đã giành được 5 Huy chương vàng. Gần nhất, từ ngày 6 đến 13-4-2018, 5 VĐV Hà Nội tham gia Giải Thái Lan mở rộng để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Theo kế hoạch năm 2018, Hà Nội sẽ tổ chức Giải Bowling Hà Nội mở rộng vào tháng 5, tham gia Giải các Câu lạc bộ bowling toàn quốc ở Đà Nẵng vào tháng 6, dự kiến tham dự một giải quốc tế trước thềm Đại hội Thể thao toàn quốc vào cuối năm. Hà Nội có một số VĐV tiềm năng tham gia đội tuyển bowling quốc gia chuẩn bị cho ASIAD 18-2018.

Tất cả những kế hoạch ấy đều dựa phần lớn vào nguồn kinh phí xã hội hóa.

Giải quyết hài hòa bài toán lợi ích

Chi phí thuê sân tập golf mỗi ngày 2 triệu đồng, trung bình mỗi VĐV phải tập tối thiểu 3 ngày/tuần, tương đương 24 triệu đồng/tháng/người tiền thuê sân. Với bowling, chi phí cho 1 giờ tập trung bình là 450 nghìn đồng, VĐV phải tập tối thiểu 4 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, tương đương 36 triệu đồng/người/tháng. Với lực lượng các đội tuyển chừng 20 VĐV ở mỗi môn đấu, chỉ nhẩm tính cũng thấy khoản chi hằng năm là rất lớn.

Chính vì vậy, việc huy động tài trợ từ chủ các sân golf, sàn bowling là hướng đi quan trọng. Phụ trách bộ môn golf và bowling Hà Nội Nguyễn Huy Tiến nói: "Bí quyết là chủ động xây dựng kế hoạch, có phương án giải quyết hài hòa bài toán lợi ích. Các chủ sân cần khai thác cơ sở vật chất mà họ đã đầu tư. Việc hỗ trợ đào tạo, giúp các VĐV thành danh từ chính sân tập của mình sẽ giúp lan tỏa thương hiệu doanh nghiệp".

Để thuyết phục nhà tài trợ, người làm nghề phải tạo được niềm tin bằng sự hiểu biết về chuyên môn, cách quản lý khoa học. Cách làm của Hà Nội là kết hợp nhiều giải pháp: Chủ động mời gọi các VĐV giỏi ở khắp nơi gia nhập đội tuyển, đầu tư xây dựng lực lượng trẻ; tổ chức các giải đấu ở ngay sân của nhà tài trợ, vừa giúp VĐV được thi đấu thường xuyên vừa giúp nhà tài trợ quảng bá thương hiệu... Kết quả là rất nhiều sân golf được dành cho VĐV Hà Nội tập với mức thuê ưu đãi hoặc miễn phí. Hệ thống giải trẻ được duy trì nhờ nguồn tài trợ trang phục, tài chính, dụng cụ thi đấu. Với bowling, các trung tâm lớn tại Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ 50% - 70% kinh phí thuê sàn tập, hỗ trợ chuyên gia huấn luyện và miễn phí tập luyện cho VĐV trẻ dưới 21 tuổi... Tuy vậy, cái khó hiện nay là duy trì sự phát triển bền vững. Các đơn vị tài trợ đa phần do tư nhân làm chủ, thay đổi chủ sở hữu sẽ ảnh hưởng đến quyết định tài trợ.

Bowling và golf có trong chương trình thi đấu SEA Games, ASIAD (với golf còn là Olympic). Nếu thực hiện xã hội hóa tốt, chúng ta có thể yên tâm đào tạo VĐV dài hơi, đủ sức chinh phục các đấu trường lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động tìm kiếm nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.