Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương pháp lập luận Socrates

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 15/07/2012 06:34

Lập luận là một hình thức của tri thức. Từ những giả định ban đầu, bằng lôgíc, lập luận sẽ cho ta kết luận. Có bốn phương pháp lập luận hay được sử dụng là suy diễn, quy nạp, loại suy và tương tự.

Phương pháp suy diễn được ví dụ như sau: "Nam cao hơn Bình. Bình cao hơn An. Từ hai khẳng định đó suy ra Nam cao hơn An". Phương pháp quy nạp là từ nhiều điều tương tự, đưa ra một kết luận có khả năng cao xảy ra. Ví dụ: "Từ trước tới nay Mặt trời mọc ở hướng đông. Kết luận: Ngày mai Mặt trời sẽ mọc ở hướng đông". Phương pháp loại suy là: Trong số các khả năng thì loại những khả năng không xảy ra để còn lại một khả năng, tức kết luận đúng. Phương pháp tương tự là lập luận đúng trong trường hợp cụ thể này sẽ đúng trong trường hợp cụ thể khác giống điều kiện như vậy.

Các phương pháp trên đều được sử dụng rộng rãi trong toán học. Tuy vậy, để phát triển tư duy tốt hơn ta nên biết thêm những phương pháp lập luận khác nữa, trong đó có một phương pháp đã có từ 2.400 năm trước, đó là phương pháp Socrates. Socrates là một triết gia nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại, sống trong khoảng năm 469 - 399 trước Công nguyên. Phương pháp lập luận của ông gọi là phương pháp truy vấn biện chứng hay phương pháp bác bỏ bằng lôgíc, sau này được gọi là "phương pháp Socrates". Trong phương pháp lập luận này, để giải quyết một vấn đề, người ta chia nhỏ vấn đề đó thành một hệ thống các câu hỏi liên tục, liền mạch. Các câu trả lời sẽ dần dẫn đến lời giải cần tìm kiếm. Kết luận nào dẫn tới mâu thuẫn sẽ bị loại bỏ.

Sinh thời, Socrates không thừa nhận những tư tưởng hay phương pháp mang tên ông là do ông tìm ra mà là của những người thầy của ông. Nhà hùng biện Prodicus và nhà khoa học Anaxagoras là những người gây ảnh hưởng nhiều tới tư tưởng của ông. Nổi danh vì tài năng nhưng rất khiêm tốn, Socrates luôn cho rằng kiến thức mình có được vốn là "nghệ thuật của sự ham thích". Socrates đưa ra khái niệm "Ham thích sự thông thái", cách thức mà người ham chuộng sự khôn ngoan nên làm để theo đuổi được điều đó. Ông tin rằng có tri thức sẽ tránh được những hành động sai, tránh được cái ác và loài người trở nên hạnh phúc hơn. Ông từng nói: "Hãy tự biết lấy chính mình". Socrates luôn khuyến khích mọi người khám phá, học hỏi để tìm ra chân lý và ông đưa ra phương pháp này nhằm giúp mọi người có một phương pháp tiếp cận với tri thức.

Trong khoa học, phương pháp Socrates được áp dụng với bước đầu tiên là đặt ra các giả thuyết. Từ những giả thuyết ban đầu đó, xây dựng tiếp các khái niệm và chỉ tiếp ra những khẳng định đúng. Từ đó hình thành một lý thuyết. Khoảng một thế kỷ sau ngày ông mất, một nhà toán học người Hy Lạp là Euclid đã xây dựng hệ tiên đề hình học đầu tiên của loài người theo phương pháp này, mang tên hệ tiên đề Euclid mà học sinh phổ thông toàn thế giới đang học. Nhà bác học người Đức Albert Einstein cũng từng rất tâm đắc với hệ thống tiên đề này và khuyên tất cả các nhà khoa học nên học hỏi hình mẫu xây dựng lý thuyết của Euclid. Sau này nhà toán học người Đức David Hilbert đã hoàn thiện hệ tiên đề của Euclid.

Câu hỏi kỳ này: Bạn hãy viết câu nói nổi tiếng nhất của Socrates.

Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương pháp lập luận Socrates

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.