Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Đặng Loan| 10/03/2017 07:11

(HNM) - Năm 2016 và hai tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng cao phản ánh niềm tin vào môi trường kinh doanh của thành phố.


Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Theo thống kê từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, năm 2016 thành phố có hơn 36.000 DN được thành lập mới, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký cũng tăng gần 50% so với cùng kỳ, đạt hơn 292.000 tỷ đồng; vốn bình quân mỗi DN tăng hơn 31%, đạt 8,3 tỷ đồng. Trong hai tháng đầu năm 2017, có hơn 4.400 DN được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 57.000 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh cam kết đồng hành để doanh nghiệp phát triển.


Tại hội nghị gặp gỡ các DN trong nước năm 2017 với chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng DN” do lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7-3, nhiều DN cho rằng môi trường kinh doanh của thành phố đang được cải thiện tốt hơn như công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, nhiều chương trình hỗ trợ, giúp giảm thời gian làm thủ tục và nâng cao sức cạnh tranh cho DN...

Tuy vậy, theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, số lượng tăng cao nhưng quy mô và năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế, chỉ có khoảng 35% có kết quả kinh doanh đóng góp cho ngân sách thành phố. Nguyên nhân bởi DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Kiều Bình Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện - cao su TP Hồ Chí Minh cho rằng, các chương trình hỗ trợ của thành phố chỉ đến được số ít DN. Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), phần lớn DN chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ, tăng trưởng của ngành CNHT vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung. Theo ông Kiều Bình Sơn, cần hình thành các cụm, tiểu khu hỗ trợ chuyên ngành, áp dụng chương trình kích cầu, hỗ trợ bù giá tiền cho thuê đất… để các DN vừa và nhỏ ngành này phát triển.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hầu hết các DN vừa và nhỏ vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và phải chịu lãi suất cao. Chính sự khó khăn về vốn khiến DN này khó nâng cao sức cạnh tranh, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các DN ngoại có lợi thế về vốn.

Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food cũng nêu những khó khăn của DN khi hệ thống siêu thị nước ngoài vào Việt Nam, thay đổi hệ thống chính sách, đặc biệt là chiết khấu quá cao. Theo bà Lâm, cần tạo điều kiện và hỗ trợ để hệ thống siêu thị nội phát triển, đẩy mạnh kênh bán hàng Việt đến tay người tiêu dùng, từ đó giúp DN Việt phát triển.

Chính quyền thành phố tái khẳng định cam kết sẽ luôn đồng hành cùng DN, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển, vì sự phát triển thịnh vượng của DN cũng chính là sự phát triển của thành phố”.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong


Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, trong năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách để DN phát triển như chính sách kích cầu, phát triển đổi mới DN, khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp - khu chế xuất, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao… TP Hồ Chí Minh dự kiến năm 2017 có khoảng 40.000 DN thành lập mới, chưa tính số hộ kinh doanh chuyển lên thành DN. Với mục tiêu không chạy theo số lượng DN mà quan trọng là chất lượng, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, kích cầu và có thể sẽ có chính sách kích cầu riêng cho CNHT.

Về hỗ trợ vốn cho DN, trong tháng 2-2017, thành phố đã tổ chức triển khai đợt kết nối ngân hàng với DN trên địa bàn, kết quả có khoảng 297.000 tỷ đồng và 10 triệu USD được cam kết cho vay với mức lãi suất 7%/năm, thấp hơn mặt bằng chung 8% - 8,5%/năm của thị trường. Sắp tới, sẽ tiếp tục có các đợt kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, DN nhỏ và vừa… để cung cấp vốn cho DN. Riêng các DN vay đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc công nghệ, thành phố đã có chính sách vay từ gói kích cầu với mức lãi suất giảm 50% hoặc cho vay 0% lãi suất…

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đánh giá, trong năm qua các sở, ban, ngành đã có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính và các hoạt động hỗ trợ DN nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của DN, vẫn còn nhiều vấn đề DN không hài lòng, gặp khó khăn vướng mắc. Chính vì vậy, các sở, ban, ngành cần sáng tạo hơn, tận tụy hơn, đặc biệt phải minh bạch thông tin để tránh cơ chế xin cho. Bí thư Đinh La Thăng cũng nhắn nhủ các DN cần chủ động hơn trong quá trình hội nhập, đổi mới công nghệ, thiết bị để đón nhận thời cơ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng tốc phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.