Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền có, nhưng không dễ vay!

Thùy Linh| 15/05/2017 07:01

(HNM) - Xác định công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành các danh mục trong lĩnh vực này được hỗ trợ vốn với lãi suất vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư phát triển.

TP Hồ Chí Minh đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.


Đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp

Từ cuối năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 50/2015/QĐ-UB hỗ trợ các dự án công nghiệp - công nghệ hỗ trợ thuộc chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Trong năm 2016, đã có 12 doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành cơ khí, cao su được vay vốn theo chương trình này với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 545,5 tỷ đồng.

Để cụ thể hóa hơn nữa việc hỗ trợ kích cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và công nghệ hỗ trợ, ngày 16-3-2017 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND trên cơ sở kế thừa Quyết định số 50/2015/QĐ-UB. Theo Quyết định 15/2017/QĐ-UBND, các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu được vay lãi suất ưu đãi gồm: Cơ khí (17 danh mục); Hóa chất nhựa, cao su (10 danh mục); Chế biến lương thực - thực phẩm (2 danh mục); Điện tử - Công nghệ thông tin (14 danh mục) và hai ngành truyền thống là Dệt may - Da giày (2 danh mục).

Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án là 7 năm, vốn hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ - thiết bị và không quá 200 tỷ đồng. Đối với các dự án có yêu cầu mức vốn hỗ trợ vượt quá các con số trên, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt các dự án.

Để việc hỗ trợ lãi suất hiệu quả và đúng đối tượng, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Quyết định 15/2007/QĐ-UBND cũng quy định, nếu dự án đã được vay vốn ưu đãi của chương trình nhưng trong thời gian từ 6 đến 12 tháng mà chưa triển khai thì sẽ bị đưa ra khỏi chương trình.

Ngoài ra, nếu chủ đầu tư dự án sử dụng phần vốn vay được hỗ trợ lãi suất không đúng với nội dung đã được phê duyệt thì phải hoàn trả kinh phí đã được hỗ trợ tính đến thời điểm vi phạm và chịu lãi suất phạt trên tổng số vốn được hỗ trợ. Chủ đầu tư cũng sẽ không được xét duyệt hỗ trợ trong vòng 3 năm kể từ ngày có vi phạm.

Để được vay - không dễ

Tại hội nghị “Phổ biến các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ” vừa được Sở Công Thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng VietinBank cho biết đã dành 10.000 tỷ đồng để cho vay với các dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đáp ứng đủ điều kiện theo Quyết định 15/2007/QĐ-UBND và được UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi suất.

Theo các DN, trước kia TP Hồ Chí Minh cũng đã có các văn bản về hỗ trợ cho ngành công nghệ hỗ trợ, tuy nhiên còn rất chung chung. Việc ban hành danh mục cụ thể cho từng sản phẩm của ngành công nghệ hỗ trợ như Quyết định 15/2007/QĐ-UBND đã giúp việc hỗ trợ được cụ thể và hiệu quả hơn. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), vốn chính là vấn đề “cốt tử” của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Do thiếu vốn, các DN ngành công nghệ hỗ trợ lâu nay vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn: Thiếu vốn để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ dẫn đến chất lượng sản phẩm kém và giá thành sản phẩm cao, năng lực cạnh tranh kém, đưa đến hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ vốn đầu tư đổi mới công nghệ để phát triển nên tiếp tục thiếu vốn… Chính vì vậy, việc hỗ trợ trực tiếp vốn cho ngành công nghệ hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, nếu thực hiện hiệu quả sẽ tạo sức bật cho DN ngành công nghệ hỗ trợ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Ngọc Hưng, chính sách đã có nhưng việc hưởng lãi suất ưu đãi của các DN công nghệ hỗ trợ nằm trong danh mục là không dễ dàng. Bởi, việc xét đủ điều kiện cho vay hay không lại do các ngân hàng, mà ngân hàng cũng là một tổ chức kinh doanh, họ cần bảo đảm đồng vốn của mình nên quy định rất chặt chẽ các tiêu chí. Trong khi đó, các DN công nghệ hỗ trợ chủ yếu là DN vừa và nhỏ, thường không hoặc chưa đủ các tiêu chí để ngân hàng cho vay như: Không có tài sản thế chấp; quy mô hoạt động nhỏ, sản xuất không ổn định; không có phương án, thiếu chiến lược kinh doanh hiệu quả…

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, các DN vừa và nhỏ ngành công nghệ hỗ trợ cần nỗ lực có phương án kinh doanh hợp lý và hiệu quả rõ ràng để ngân hàng tự tin cho vay. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần đẩy mạnh hoạt động của Quỹ bảo lãnh để làm cầu nối giữa ngân hàng với các DN vừa và nhỏ, hỗ trợ họ phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ của thành phố mới dễ dàng đến được với các DN thực sự cần vốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiền có, nhưng không dễ vay!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.