Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biên chế cán bộ, công chức, viên chức: Nghịch lý thừa và thiếu

Nhóm PV Nội chính| 02/04/2013 06:20

LTS: Lâu nay, việc xác định biên chế thường thực hiện theo

LTS: Lâu nay, việc xác định biên chế thường thực hiện theo "cơ chế xin - cho", từ dưới đề nghị lên, từ trên phân bổ xuống. Cơ chế này đang cho thấy sự bất cập khi nhiều cơ quan hành chính, sự nghiệp có tình trạng thừa - thiếu cán bộ, công chức, viên chức, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả công việc.

Trước thực trạng đó, cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo các cơ quan chức năng nhìn nhận vấn đề này như thế nào và có biện pháp gì để xác định rõ biên chế, cơ cấu lại đội ngũ một cách hợp lý khi nơi thiếu vẫn thiếu dù tại không ít đơn vị lại quá thừa người "đi ra đi vào"? Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài "Biên chế cán bộ, công chức, viên chức: Nghịch lý thừa và thiếu".

Bài 1: Gồng mình “gánh” việc

Năm 2013 được Hà Nội xác định là "Năm kỷ cương hành chính", việc nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Tuy nhiên, số lượng biên chế được giao có hạn mà đầu việc quá nhiều đang khiến cán bộ ở nhiều nơi phải làm việc quá sức, ảnh hưởng tới chất lượng công việc...

Quản lý trật tự xây dựng là một trong những lĩnh vực thiếu cán bộ trầm trọng. Ảnh: Trung Kiên


Việc nhiều, người ít

Thực trạng công việc nhiều, cán bộ ít đang tồn tại ở khá nhiều đơn vị, đặc biệt là những nơi có số lượng dân cư đông hay địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa. Từ Liêm luôn là huyện đứng đầu thành phố Hà Nội về lượng hồ sơ giao dịch hành chính (năm 2012 toàn huyện tiếp nhận 471.935 hồ sơ hành chính). Do đó, 12 cán bộ chuyên trách bộ phận "một cửa" của huyện mỗi ngày đều phải làm việc với cường độ cao mới đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ. Còn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) có 4.000 hộ, 3,4 vạn dân (gấp đôi số dân của một số phường trong khu vực nội thành) mà chỉ có 2 cán bộ tư pháp, trung bình mỗi ngày, phải giải quyết khoảng 100 hồ sơ chứng thực và tiếp khoảng 70 lượt công dân đến đề nghị giải quyết các loại giấy tờ liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, 2 cán bộ này kiêm nhiệm luôn cả việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ông Phạm Sỹ Hùng, cán bộ tư pháp phường Yên Hòa than thở: Không chỉ có vậy, cán bộ tư pháp của phường thường phải gánh thêm những việc ở cơ sở như tham gia hòa giải, giải phóng mặt bằng (GPMB)… do đó có muốn nghỉ phép cũng khó.

Cũng về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: "Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra của Sở chỉ có hơn 20 người (gồm cả lãnh đạo và cán bộ) nhưng có nhiệm vụ thanh tra, nắm bắt vi phạm về nhà, đất, môi trường tại tất cả 29 quận, huyện; 577 xã, phường. Bị "ngập" trong khối lượng công việc nên cán bộ không thể "bơi" được, nhiều khi phải giải quyết bằng biện pháp chuyển văn bản, công văn và khi có kết quả trả lời thì bố trí thời gian, cán bộ (nếu có) để xác minh thực tế".

Tương tự, hoạt động của HĐND ở cơ sở hiện nay không khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi" bởi chức năng nhiệm vụ của HĐND là giám sát hoạt động của khối ủy ban; xây dựng, ban hành nghị quyết về các lĩnh vực ngân sách, an ninh, quốc phòng, điều hành, giám sát việc thực thi và giám sát hoạt động của thanh tra xây dựng, an toàn vệ sinh thực phẩm... Với số lượng 2 lãnh đạo và 1 cán bộ giúp việc, HĐND phường vừa lãnh đạo, lại vừa thực thi nhiệm vụ, đồng thời làm báo cáo kết quả công việc do chính mình chỉ đạo.

Ở ngành giáo dục, thiếu giáo viên luôn là vấn đề nóng. Nếu như cả nước thiếu 20.000 giáo viên mầm non thì riêng Hà Nội thiếu 3.000 người. Do vậy, tại các trường của Hà Nội, dù là công lập - Nhà nước chi ngân sách, hay bán công, dân lập - tự chủ về tài chính, thực trạng thiếu giáo viên vẫn luôn gây bức xúc. Theo quy định với bậc mầm non, từ 15 đến 20 cháu chỉ tiêu là 1 cô giáo, nhưng thực tế, hiện nay 2 cô giáo "gánh" một lớp hơn 60 cháu. Ở bậc tiểu học, một lớp 30 học sinh ở nông thôn cũng 1 giáo viên, trong khi thành thị sĩ số lớp luôn là từ 50 đến 60 học sinh cũng vẫn có 1 giáo viên...

Công việc nhiều, cán bộ ít khiến nhiều đơn vị rơi vào tình trạng quá tải.


Lĩnh vực nóng… càng thiếu

Long Biên là quận ven đô, diện tích lớn, nằm trong "top" đầu thành phố về tốc độ đô thị hóa, công tác GPMB, trật tự đô thị luôn là vấn đề nóng. Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo cho biết, do định biên theo cơ chế "cứng", "cào bằng" cho tất cả các địa phương nên chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của quận. Tổng số biên chế cán bộ, công chức toàn quận là 109 người, gồm 12 phòng chuyên môn thuộc UBND; 13 Thanh tra xây dựng quận và 8 cán bộ thuộc Ban bồi thường GPMB. Việc phân bổ như vậy không nhiều hơn các quận, huyện khác, thậm chí ít hơn một số địa phương. Trong khi đó, trung bình mỗi năm dân số quận tăng 1 vạn người, cộng thêm sự phát triển đa ngành, nghề của đặc thù quận mới (về công nghiệp, thương mại, dịch vụ…) cơ quan chức năng quận phải cấp 2.000 giấy phép xây dựng (chưa kể chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... diễn ra rất sôi động) nhưng Phòng Tài nguyên - Môi trường chỉ có 9 cán bộ.

Phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), với biên chế "cứng" là 17 người, gồm lãnh đạo và cán bộ ở 7 chức danh, cũng đang thấy công tác GPMB là thách thức lớn. Trong 10 năm trở lại đây, phường liên tục "nóng" với nhiệm vụ. Nhiều thời điểm, phường phải bố trí cán bộ tư pháp làm việc cùng cán bộ GPMB; cán bộ văn phòng, "một cửa" kiêm nhiệm giải quyết đơn thư, xác nhận giấy tờ thủ tục hành chính.

Tư pháp cũng là lĩnh vực luôn bị quá tải nhưng biên chế nhiều nơi chưa đủ so với quy định. Cụ thể, với các phường, xã có trên 10.000 dân trở lên, phải bố trí 2 cán bộ tư pháp, nhưng thực tế, nhiều nơi còn chưa thực hiện được như vậy. Chẳng hạn, phường Vĩnh Hưng hiện có trên 32.200 nhân khẩu song vẫn chỉ có 1 cán bộ tư pháp. Tương tự, quy định các quận, huyện phải có 5 cán bộ tư pháp cũng chưa được thực hiện đều khắp thành phố. Phòng tư pháp các quận, huyện đã nhiều lần để xuất bổ sung nhân sự nhưng đến giờ vẫn đang… chờ.

Bất cập nữa có thể thấy là ở trong lĩnh vực xây dựng. Đến nay, cơ bản các quận, huyện (cũ) của thành phố Hà Nội đều đã có đủ 4 thanh tra xây dựng/xã, phường. Còn hầu hết các xã thuộc huyện mới (sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính) đều đang thiếu trầm trọng lực lượng thanh tra xây dựng. Theo Quyết định 99/2007/ QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội kiện toàn, củng cố về tổ chức thanh tra xây dựng quận, huyện và thí điểm thành lập thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn thì mỗi xã, phường phải có từ 3 đến 4 thanh tra viên nhưng đối chiếu với phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013 thì lực lượng này đang có sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị: 31 xã của huyện Ba Vì chỉ có 12 thanh tra xây dựng; 16 xã của huyện Đan Phượng chỉ có 5; 20 xã của huyện Hoài Đức chỉ có 12; 20 xã của huyện Quốc Oai chỉ có 4…

Việc thiếu biên chế ở những lĩnh vực nhiều việc, thậm chí cả những nơi đủ người nhưng nhân sự chưa đủ năng lực đáp ứng công việc, dẫn đến chất lượng công việc không bảo đảm, nhiều việc chậm trễ, tồn đọng gây bức xúc cho dư luận xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biên chế cán bộ, công chức, viên chức: Nghịch lý thừa và thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.