Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ điểm sàn có "buông" chất lượng?

Khánh Vũ| 03/01/2017 06:27

(HNM) - Sự khẳng định của Bộ GD-ĐT về chủ trương bỏ điểm sàn, được nêu trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017, có vẻ bớt quyết liệt hơn sau khi có nhiều ý kiến lo ngại tiêu cực nếu chủ trương này được thực hiện trong năm nay.



Các chuyên gia cho rằng, bỏ điểm sàn là xu hướng tất yếu khi Bộ GD-ĐT dần giao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh. Nhưng việc này cần có lộ trình phù hợp để bảo đảm chất lượng và còn để chống “sốc” cho các bậc cao đẳng, đào tạo nghề.


Bỏ điểm sàn là xu hướng tất yếu khi Bộ GD-ĐT dần giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng trong công tác tuyển sinh. Ảnh: Bá Hoạt


Lo ngại cảnh ồ ạt vào đại học

Việc bãi bỏ điểm sàn, hay ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, đã áp dụng với bậc đào tạo cao đẳng (CĐ) từ năm 2016 và được đánh giá là phù hợp với Luật Giáo dục đại học (ĐH) cũng như xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý giáo dục vẫn e ngại việc này sẽ làm giảm chất lượng đào tạo ĐH và phá vỡ cơ cấu nguồn nhân lực. Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, quy định nói trên sẽ phá vỡ quy hoạch và định hướng phân luồng học sinh vào học nghề. Khi bỏ điểm sàn, tâm lý “sính” bằng cấp sẽ càng trầm trọng hơn, thí sinh ồ ạt đăng ký vào ĐH thay vì lựa chọn con đường học nghề.

Một số lãnh đạo trường nghề dự báo rằng 2017 sẽ là năm tuyển sinh khó khăn nhất từ trước tới nay với các trường nghề, từ bậc trung cấp tới CĐ. Thậm chí, những trường vùng sâu, vùng xa đứng trước nguy cơ đóng cửa vì thí sinh không mặn mà. Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của Ngành LĐ-TB&XH là đến năm 2020 có 30% số học sinh THPT được phân luồng đi học nghề.

"Mặt trái" của quyết định bỏ điểm sàn càng thể hiện rõ hơn trong bối cảnh hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp ĐH đang bị thất nghiệp. Cụ thể, theo thông tin mới nhất từ Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" vẫn nặng nề khi trong số này có 418 nghìn (chiếm tới 40%) là người có chuyên môn kỹ thuật.

Hơn nữa, liên quan tới chất lượng đào tạo, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thì khi đưa quy định bỏ điểm sàn vào dự thảo quy chế, Bộ đã dự đoán sự băn khoăn của các trường về chất lượng đầu vào, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng. Thực tế cho thấy, nhiều trường vẫn chạy theo số lượng trong tuyển sinh, thiếu sự sàng lọc trong quá trình học tập tại trường, dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu không kiểm soát kỹ đầu vào.

Tự chủ mới được "bỏ sàn"

Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển của trường. Điều đó đặt ra mối lo, rằng sẽ có trường hạ thấp ngưỡng tuyển đầu vào để tuyển sinh bằng mọi giá.

Để tránh tình trạng này, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh tới quyền tự chủ của các trường: Trường nào “bỏ sàn” thì phải có trách nhiệm lọc chuẩn đầu ra. Năm 2016, Trường ĐH Thủy lợi xét tuyển đợt 1 không đủ chỉ tiêu song cũng không hạ điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển, vẫn giữ nguyên điểm xét tuyển để bảo đảm chất lượng đồng đều. Các trường phải tự cân đối giữa mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn để xác định chuẩn đầu vào của mình. Nếu đầu ra không có chất lượng, người học không xin được việc thì dù trường có cho học bổng cũng không thu hút được người học. Việc không hạ điểm chuẩn được lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi nhấn mạnh như là một cách tạo thương hiệu cạnh tranh.

Trên thực tế, từ vài năm nay, Bộ GD-ĐT đã cho phép nhiều trường ĐH tuyển sinh theo phương thức xét học bạ - cũng được coi là một cách bỏ điểm sàn, nhưng trường nào khó tuyển vẫn hoàn khó tuyển. Năm 2016, bậc CĐ đã chính thức "bỏ sàn" nhưng tình hình tuyển sinh vẫn không có bước đột phá.

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia Hà Nội, dù việc bỏ điểm sàn là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH, nhưng khi trường ĐH chưa chứng tỏ được năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sự lo lắng của xã hội là có cơ sở. GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT vẫn nên áp dụng mức sàn với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình điểm sàn áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất là của lớp 12). Điều này giúp các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào tối thiểu.

Lãnh đạo nhiều trường cho rằng, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp, không chỉ nhằm bảo đảm chất lượng mà còn để chống “sốc” cho các bậc đào tạo CĐ, đào tạo nghề.

Thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia về việc bỏ điểm sàn, đánh giá tác động của các phương án khác nhau. Quyết định sẽ được đưa ra sau cuộc họp thường niên với các hiệu trưởng vào đầu năm 2017.

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) để các cơ sở giáo dục ĐH được đánh giá theo một thang đo đồng nhất với các trường trong khu vực và quốc tế, Bộ dự kiến đưa ra quy định mới về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH. Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) - mới được ban hành vào tháng 7-2016. Đáng chú ý là các trường tham gia kiểm định nhưng không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ bị hạn chế quyền tự chủ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ điểm sàn có "buông" chất lượng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.