Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều thách thức

Thống Nhất| 06/07/2017 06:31

(HNM) - Thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành khâu tiếp nhận học sinh lớp 10 năm học 2017-2018. Từ bảng điểm chuẩn của các trường, có thể thấy độ ổn định về chất lượng “đầu vào”, trong đó có sự chuyển dịch khá rõ của các trường tốp cuối.

Để đạt mục tiêu có 60% học sinh được học trường công lập, Hà Nội cần thêm ít nhất 17 trường THPT công lập. Ảnh: Nhật Nam


Trường tốp dưới tăng điểm chuẩn

Năm học 2017-2018, Hà Nội có 108 trường THPT công lập tuyển học sinh lớp 10. Như mọi năm, Trường THPT Chu Văn An là đơn vị có điểm đầu vào cao nhất thành phố với 55,5 điểm, cao hơn năm trước 0,5 điểm. Những trường ở tốp trên có điểm đầu vào ổn định với 15 trường có mức điểm chuẩn từ 50,0 trở lên, bằng với năm 2016 và nhiều hơn 2 trường so với năm 2015.

Dù chưa có phân tích về phổ điểm từng môn, kết quả thi của học sinh ở từng địa bàn, song qua bảng điểm chuẩn do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, có thể thấy sự tiến bộ khá rõ của các trường tốp dưới. Có 2 trường THPT có mức điểm chuẩn tăng hơn 3,5 điểm so với năm ngoái là Quang Minh và Kim Anh; nhiều trường có mức điểm chuẩn tăng từ 2 đến 3 điểm như Tự Lập, Phú Xuyên A, Cổ Loa, Trung Giã, Tiền Phong, Nguyễn Du - Thanh Oai, Chương Mỹ B, Mỹ Đức B…

Đáng chú ý, có một số trường có mức điểm chuẩn liên tục tăng trong 3 năm liền, điển hình như Trường THPT Bắc Lương Sơn với mức điểm chuẩn từ năm 2015 đến năm 2017 lần lượt là 27,0 - 28,5 - 31,0; Trường THPT Tô Hiệu - Thường Tín 34,0 - 35,5 - 37,0; Trường THPT Mỹ Đức B 30,5 - 31,5 - 34,0; Trường THPT Bắc Thăng Long 42,0 - 43,0 - 44,0… Điều này cho thấy sự khởi sắc khá bền vững về chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) cho biết, năm học 2017-2018 nhà trường được giao chỉ tiêu 400 học sinh lớp 10, tăng 40 học sinh so với năm học trước, nhưng mức điểm chuẩn vẫn cao hơn 0,5 điểm và chỉ tuyển một đợt là xong. Điều này khẳng định sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh đối với nhà trường, đồng thời cho thấy chất lượng đầu vào của trường năm học này cao hơn.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) khẳng định, các trường THPT đã hoàn thành việc tiếp nhận học sinh lớp 10 chu đáo, nghiêm túc. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường tạo thuận lợi tối đa cho học sinh ở mọi khâu, từ những việc nhỏ như trông giữ xe miễn phí cho phụ huynh, học sinh đến nhập học; không bán hồ sơ; không thu hoặc vận động gia đình học sinh đóng góp bất cứ khoản tiền nào ngoài quy định…

Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, học sinh trúng tuyển vào lớp 10 nhưng không đến trường THPT nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định thì không được đưa vào danh sách trúng tuyển. Trong trường hợp đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn sẽ tạo điều kiện để các em được nộp hồ sơ nhập học, tuy nhiên, gia đình học sinh phải có đơn trình bày sự việc cùng cam kết và phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

Mối lo còn đó

Năm học 2017-2018, Hà Nội vẫn duy trì thực hiện việc tuyển sinh nguyện vọng 3 nhằm tạo cơ hội học tập tại trường THPT công lập cho những học sinh có điểm xét tuyển vào lớp 10 cao nhưng lại không trúng tuyển vào trường nào. Tuy nhiên, việc tuyển sinh nguyện vọng 3 chỉ được áp dụng với 7 trường THPT còn nhiều khó khăn khâu tuyển sinh.

Theo ông Ngô Văn Chất, đây là năm thứ hai, việc tuyển sinh nguyện vọng 3 được phân chia theo khu vực. Điều này có nghĩa là các trường tuyển nguyện vọng 3 được phân chia rải rác ở các địa bàn nhằm bảo đảm học sinh có đủ điều kiện, có nguyện vọng ở cùng địa bàn hoặc các khu vực lân cận có thể đăng ký theo học mà không phải di chuyển quá xa. Ví dụ: Trường THPT Bất Bạt (Ba Vì) được phép tuyển nguyện vọng 3 đối với các học sinh thuộc địa bàn Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai…; Trường THPT Tự Lập (Mê Linh) tuyển nguyện vọng 3 với học sinh thuộc khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn…

“Cách thức này vừa giúp giải quyết được hiện tượng học sinh có điểm cao nhưng không đỗ vào trường nào, vừa tạo điều kiện cho các trường khó khăn trong khâu tuyển sinh có cơ hội phát triển” - ông Ngô Văn Chất khẳng định.

Để nâng dần chất lượng giáo dục cấp THPT, từ năm học trước, Hà Nội quy định chỉ giao chỉ tiêu cho các trường công lập với mức 40 học sinh/lớp, trong khi điều lệ trường học là 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số mạnh như hiện nay, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thiếu chỗ học trầm trọng; việc duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục cấp THPT như mục tiêu đề ra khó có thể đạt được như mong muốn.

Dữ liệu về học sinh đang học tại các trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho thấy, năm học 2018-2019, số lượng học sinh cấp THPT ước tính tăng 25 nghìn em, đến năm 2020-2021 sẽ tăng 75 nghìn em so với hiện nay. Để đạt mục tiêu có 60% học sinh được học trường công lập như Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND của HĐND thành phố về việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đề ra, Hà Nội cần bổ sung tối thiểu 17 trường THPT công lập.

Thực tế này cho thấy, việc giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo đảm chỗ học và nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm tới sẽ còn khó khăn hơn nữa, nếu nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa được cải thiện tương xứng với nhu cầu học tập. Như vậy, áp lực tuyển sinh có lẽ sẽ khó thuyên giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.