Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lựa chọn nhiều, băn khoăn tăng

Thống Nhất| 29/03/2018 07:46

(HNM) - Từ ngày 1 đến 20-4 là thời gian thí sinh cả nước làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018...


Nhiều tổ hợp xét tuyển mới

Để chuẩn bị cho thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, nhiều trường đã công bố đề án tuyển sinh với những quy định cụ thể về chỉ tiêu, đối tượng, điều kiện, thời gian tuyển... Đáng chú ý, trong kỳ tuyển sinh năm nay xuất hiện một số tổ hợp xét tuyển mới, lạ... Tổ hợp ngữ văn, lịch sử, địa lý lâu nay chỉ được dùng để xét tuyển cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, thì năm nay được sử dụng để xét tuyển cho cả ngành ngoại ngữ, kỹ thuật, thậm chí cả kế toán, công nghệ, kiểm toán...

Có nhiều tổ hợp xét tuyển mới cho thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Ảnh: Nhật Nam


"Theo logic, các trường khi xây dựng các tổ hợp xét tuyển thường phải gần với yêu cầu của ngành đào tạo. Liệu ngành kế toán mà sử dụng ngữ văn, lịch sử, địa lý để xét tuyển thì có thể tuyển được thí sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành không? Sau này các em ra trường, liệu có đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động không, hay đây chỉ là cách thức để các trường tuyển thêm nhiều thí sinh? Nếu không tư vấn, phổ biến kỹ cho thí sinh, chắc chắn các em sẽ rất hoang mang" - bà Nguyễn Thị Ngân, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) lo lắng.

Trước nghi ngại của dư luận về sự xuất hiện của những tổ hợp xét tuyển đại học mới, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Nếu xác định những tổ hợp thi không liên quan ngành đào tạo, thì trường sẽ gặp bất lợi nhiều hơn; trước hết là khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng đào tạo, tiếp theo là sẽ không được nhiều thí sinh giỏi đăng ký. Người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ về chất lượng đào tạo, không muốn nhận sinh viên của trường, nhà trường tiếp tục không thu hút được sinh viên, giảng viên giỏi... Tình trạng này cứ lặp lại, đó sẽ là quá trình "tự sát" của chính nhà trường.

Có sai phạm - phải dừng tuyển sinh

Cách lý giải trên vẫn khiến dư luận, nhất là những phụ huynh có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay băn khoăn. Hầu hết ý kiến cho rằng, không phải trường nào cũng có thể nhận thức được nguy cơ "tự sát" cảnh báo ở trên mà sẽ vẫn làm ẩu, xét tuyển bằng những tổ hợp môn thi chẳng hề liên quan đến ngành đào tạo để có thể tuyển được nhiều sinh viên.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường tự chủ xác định tổ hợp xét tuyển là phù hợp, bởi thiết kế chương trình đào tạo hiện nay hướng tới năng lực làm việc toàn diện, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức toàn diện hơn. Khi xây dựng các tổ hợp xét tuyển, các trường chắc chắn đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo còn có nhiều khâu, nhiều quy trình để lựa chọn và đánh giá cho đến khi sinh viên tốt nghiệp. Dù là tổ chức xét tuyển theo tổ hợp nào, nhà trường vẫn buộc phải tuân theo những quy định chung.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, thực tế làm công tác quản lý và giảng dạy nhiều năm ở bậc đại học cho thấy, việc lựa chọn môn tuyển sinh "đầu vào" có ý nghĩa quan trọng. Nếu thí sinh không có thiên hướng về các môn khoa học tự nhiên sẽ rất khó khăn khi theo học các ngành như công nghệ thông tin, toán, tự động hóa...

Để giải tỏa mối băn khoăn của dư luận, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, điểm mới của năm nay là các trường được trao quyền tự chủ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng "đầu vào" (điểm sàn), trừ các ngành đào tạo giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương yêu cầu sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn, trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng và phải nhập lên cơ sở dữ liệu tuyển sinh để quản lý. Đây là cơ sở để xã hội có thể giám sát quá trình tuyển sinh của từng trường, buộc các trường phải giữ uy tín, xây dựng "thương hiệu" cho mình, không thể bất chấp quy định mà nhận thí sinh có điểm thi quá thấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, ngay lập tức yêu cầu nhà trường đó giải trình. Nếu phát hiện có sai phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu dừng tuyển sinh và công bố công khai.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cũng khuyến cáo, nếu các em không có kiến thức nền tảng của 1 hoặc 2 môn trong tổ hợp được coi như môn kiến thức nền tảng của ngành học, thì khó có thể học tập tốt. Trên thực tế, những sinh viên bỏ học giữa chừng thường rơi vào các trường hợp như vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn nhiều, băn khoăn tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.