Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn cảm hứng bất tận của cô gái Đà Lạt

ANHTHU| 15/12/2007 09:08

Nguyệt Ánh đang hướng dẫn thợ ghép tranh. Ảnh:T.Lương(HNM)- Năm 25 tuổi cô chọn cho mình một nghề “ chẳng giống ai” - đó là tập làm tranh bằng những cánh bướm. Cô bảo “cánh bướm mỏng manh, nhiều sắc màu thật đẹp mà không tận dụng vẻ đẹp đó để tạo nên những bức tranh thì uổng quá!”. 7 năm mày mò, tự học, tự làm cô đã thành công. Hàng trăm bức tranh được làm từ những cánh bướm nơi nhà cô ở đã nói lên điều đó.

Nguồn cảm hứng

Cô gái đó là Nguyệt Ánh ở 16/2 đường Tân Vượng thị xã Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Trong những căn phòng nhỏ của gia đình, có tới hàng trăm bức tranh với chất liệu chủ đạo là những cánh bướm ghép lại, hoặc những tiêu bản bướm, hoặc nguyên bản là những con bướm được gắn kết trên những bức tranh thêu tay. Sự kết hợp khéo léo của Nguyệt ánh đã tạo nên những bức tranh không chỉ đẹp, hài hòa về màu sắc mà còn thể hiện được sự sáng tạo độc đáo.

Nguyệt Ánh kể “ Cảnh sắc thiên nhiên ở Bảo Lộc đẹp nên hình như cũng vì thế bướm ở đây cũng nhiều chủng loại và màu sắc cũng đẹp”. Lớn lên trên cao nguyên cảnh sắc hiền hòa, cô gái đầy mơ mộng luôn ấp ủ làm sao để nhiều người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài bướm. Được cha mẹ động viên, khích lệ Nguyệt Ánh mạnh dạn sưu tầm các loài bướm; rồi nghiên cứu tìm ra loại thuốc trích để bướm không bị xuống màu khi đã khô. Sau khi đã xong các công đoạn, cô lại tỉ mỉ tách các màu trên cánh bướm cho phù hợp với màu của lá, màu của các loại hoa, màu của bông, của cành, của sông nước… Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo. Một hơi thở mạnh cũng có thể làm bay những mảnh cánh bướm mỏng manh. Gian phòng cô và những người thợ tách cánh, ghép tranh không có quạt, cửa sổ được che ni lông để tránh những cơn gió bất chợt ùa vào. Cũng may thời tiết cao nguyên luôn luôn mát để những người yêu nghề ghép tranh bướm không phải dùng tới quạt.

Vẻ đẹp mong manh cùng sắc màu huyền ảo của các loài bướm đã trở thành nguồn cảm hứng để Nguyệt ánh khởi nghiệp nghề làm tranh bướm mà cô không định trước được. Để rồi vẻ già cỗi nhưng tràn đầy sức sống của cây mai vàng, tà áo dài thướt tha của thiếu nữ Việt, dòng sông Hương hiền hòa có cây cầu Trường Tiền soi bóng… đều được thể hiện sống động trong tranh bướm của cô gái tài hoa.

Các tác phẩm tranh bướm.

Vượt khó

Nguyệt Ánh đã thành công trong làm tranh với chất liệu chính là những cánh bướm. Nhưng ít ai biết được cô gái bé nhỏ này đã phải vất vả ra sao ? Nguyệt ánh không có được sức khỏe trọn vẹn như nhiều người. Năm lên 4, cô gái bị sốt bại liệt. Mặc dù được cha mẹ, người thân chạy chữa, chăm sóc nhưng di chứng của bệnh vẫn khiến cô bị yếu một chân. Đi lại khó khăn nhưng cô luôn đặt ra cho mình nhiều cái đích để rồi lần lượt vượt qua nó. Để có nguồn nguyên liệu dồi dào, Nguyệt ánh còn lập hẳn trại nuôi bướm. Cũng chính cô đã chịu khó đi giới thiệu tranh của mình tại nhiều hội chợ, festival… để rồi nhiều người biết được có một loại hình nghệ thuật mới.

Nguyệt Ánh không giấu nghề. Hiện tại có 10 người đang làm tại nhà của cô. Họ là những người thợ thêu, thợ ghép cánh bướm đến từ xã Lộc Châu – hàng xóm của cô. Họ cũng nghèo khó, được cô nhận vào và truyền nghề. Hàng tháng họ có mức thu nhập từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Trong những ngày chuẩn bị diễn ra festival hoa Đà Lạt, cô và những người thợ dường như bận bịu hơn. Họ đang hoàn tất những bức thêu có gắn cánh bướm rất đặc trưng của Đà Lạt để trưng bày ở festival.

Thuận Thi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn cảm hứng bất tận của cô gái Đà Lạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.