Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giã biệt một cây bút trào lộng

VANCHIEN| 03/12/2008 07:39

(HNM) - Nghỉ hưu mới gần 4 năm, bỗng cuối năm 2004, nhà báo - họa sĩ Lê Văn Hiệp thấy khó thở, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Nhật. 25 ngày sau ông được ra viện, nhưng về nhà mới được nửa tháng, căn bệnh cũ tái phát. Sau Tết Ất Dậu 2005, ông lại vào viện lần thứ hai.

(HNM) - Nghỉ hưu mới gần 4 năm, bỗng cuối năm 2004, nhà báo - họa sĩ Lê Văn Hiệp thấy khó thở, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Nhật. 25 ngày sau ông được ra viện, nhưng về nhà mới được nửa tháng, căn bệnh cũ tái phát. Sau Tết Ất Dậu 2005, ông lại vào viện lần thứ hai.

Qua 26 ngày chữa chạy, ông được trở về mái ấm gia đình và lại say sưa vẽ. Bỗng thượng tuần tháng 11-2007, ông lại phải nhập viện lần thứ ba. Lần này, bệnh tình trầm trọng, chỉ sau hơn chục ngày, bệnh viện trả ông về. Không ngờ ông hồi phục dần, ăn Tết Mậu Tý 2008 vui vẻ với gia đình. Song, sức sống chỉ bùng lên được 1 năm. Căn bệnh khó thở tái phát lần thứ tư rất nặng, gia đình đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện, rồi cũng xin về, còn nước còn tát. Tới đêm đông 30-11-2008, ông đã vĩnh viễn ra đi…

Lê Văn Hiệp quê xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), nhưng chào đời ở phố Hàng Cót, Hà Nội vào mùa thu năm Canh Thìn (1940). Suốt tuổi ấu thơ đến tuổi học trò, ông sống trong một gia đình trí thức yêu nước có 11 anh chị em, ở căn nhà đầu phố Wiélé (nay là phố Tô Hiến Thành). Cụ thân sinh ông là Giáo sư Lê Văn Hòe, dạy Trường An-be Sa-rô, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn Tây khóa I (1946), Chủ nhiệm hai tờ báo tư nhân Quốc Gia, Đời Mới (1946-1947), tác giả các cuốn sách "Chuyện Kiều chú giải", "Chữ nghĩa truyện Kiều", "Tục ngữ lược giải", "Từ vị chính tả"...

Từ khi còn ngồi trên ghế trường tiểu học, Lê Văn Hiệp sớm phát triển năng khiếu về hội họa với niềm đam mê tột độ. Năm 10 tuổi, ông theo học danh họa Lương Xuân Nhị. Chàng trai Hà Nội ấy cứ nhìn cảnh, nhìn người mà vẽ bằng tay trái. Dường như buổi học nào thầy Nhị cũng nhắc trò Hiệp: "Không được vẽ bằng tay trái, nếu không nghe, thầy không dạy con nữa". Cậu Hiệp "vâng vâng", đổi bút sang tay phải, rồi lại chuyển về tay trái. Nói mãi, thầy đâm chán, ít nhắc nhở vì các bài tập hình họa cậu thể hiện khá tốt. Cho đến mãi sau này, họa sĩ họ Lê vẫn vẽ - kể cả viết, cầm đũa - đều bằng tay trái thuận hơn.

Học văn hóa, Hiệp cũng vào loại khá giỏi. Trong một kỳ thi môn văn, thầy giáo Lê Khôi ra đề bài bình giảng câu ca dao "Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Hiệp làm bài thi không bằng thể văn xuôi mà bằng thể thơ lục bát kín cả bốn trang được thầy khen, cho điểm tối ưu nhưng vẫn phê "nên tránh lối trình bày bằng thơ".

Lê Văn Hiệp tâm sự: "Tuổi trẻ lãng mạn, giàu mơ ước, có lúc tôi muốn trở thành nhà thơ, đạo diễn sân khấu, diễn viên điện ảnh. Nhưng vốn nặng lòng với hội họa, tôi say mê không dứt ra được"... Từ lâu, ông đã là cộng tác viên các báo Nhân Dân, Thời Mới, Thống Nhất, Quân đội nhân dân, Thủ đô, Lao động, Độc lập, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Công an Nghệ Tĩnh... qua những tranh đả kích và châm biếm với nhiều đề tài nóng bỏng. Có thể nói Lê Văn Hiệp vào đời rất sớm, biết kiếm tiền cũng rất sớm: Vẽ thiếp cưới, vé xổ số, tem thư, bìa sách... Từ đấy, ông càng say mê, đi vào lĩnh vực hội họa, vốn sống ngày càng được tích lũy, tạo sức đẩy cho ông trên con đường lao động nghệ thuật.

Tới năm 1961, khi báo Thủ đô ra đời đã được 5 năm, thì Lê Văn Hiệp ở tuổi 21, được tuyển vào làm việc tại Ban Thư ký tòa soạn. Qua 3 lần đổi tên báo: Thủ đô, Thủ đô Hà Nội, Hànộimới, qua mấy đời Trưởng ban thư ký tòa soạn, bao giờ Hiệp cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiết kế trình bày báo. Thời chiến tranh, ông vẽ những vi-nhét nhỏ "Máy bay Mỹ bốc cháy" dành cho khu vực tin bắn rơi máy bay Mỹ của miền Bắc, vi-nhét "Anh giải phóng quân đội mũ tai bèo, ngắm bắn giặc" dành cho khu vực tin chiến sự miền Nam, làm sinh động trang báo. Lê Văn Hiệp cũng vẽ nhiều tranh đả kích chế độ Mỹ - ngụy nên một lần gặp Tổng biên tập báo Thống nhất, họa sĩ được biết ông đã bị tòa án thời Ngô Đình Diệm xử tử hình vắng mặt! Bám vào mũi nhọn cuộc sống, giữa thực tế sinh động đời thường, ông vẽ tranh cổ động in trên trang nhất nhân các ngày lễ lớn, tranh minh họa ở số cuối tuần, số chủ nhật hoặc số cuối tháng và rất nhiều tranh châm biếm, phê bình về chống ma túy, tham nhũng, mại dâm, cờ bạc, đua xe trái phép, mê tín dị đoan...

Ông cũng có tài vẽ tranh chân dung, nhất là chân dung Bác Hồ với vẻ đẹp hoàn mỹ, dạt dào cảm xúc. Ông vẽ bằng ngòi bút sắt, không phải bằng bút lông hay cây cọ với thế giới bất tận của màu sắc. Cái cá tính của ông bộc lộ rõ trên nhữngnét vẽ đầy mẫn cảm với thời cuộc, cả sự ngẫu hứng chợt đến, sự hóm hỉnh của con mắt trào lộng trong tranh đả kích, châm biếm, không trộn lẫn với bất cứ ai, nổi lên cái tương phản của thiện - ác, đẹp - xấu…

Vui chuyện, Lê Văn Hiệp nhắc tới nhiều tờ báo đã cộng tác nhiều năm của thế kỷ trước, trong đó ông là "cộng tác viên đặc biệt", có thâm niên cộng tác với báo chí lực lượng CAND. Ông từng trải qua ngàn đêm thức trắng để đọc bài tại chỗ, thiết kế makét, vẽ vi-nhét, minh họa cho báo CAND… Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất.

Trong suốt hành trình sống, lao động nghệ thuật, ông đã đoạt nhiều giải thưởng tại triển lãm tranh biếm họa quốc tế ở Cu-ba (1970), Trung Quốc (1972), Liên Xô cũ (1975) và rất nhiều giải thưởng tại triển lãm trong nước. Gần đây, vào tháng 4-2005, ông đoạt giải nhất và giải khuyến khích cuộc thi "Sáng tác tranh đả kích và châm biếm các tệ nạn xã hội" do Bộ VHTTtổ chức.

Lê Văn Hiệp ơi, ông nghỉ hưu mới 8 năm nay, nhưng anh em thấy ông vẫn chăm chỉ sáng tác, vẫn có nhiều tranh đả kích, châm biếm, minh họa, in trên các báo. Con đường sáng tạo đang rộng mở phía trước, gây được ấn tượng, sự đồng cảm của người xem tranh, thì không ngờ trái tim ông bỗng ngừng đập giữa đêm đông, khiến đồng nghiệp báo chí và hội họa bàng hoàng.

Đêm về khuya. Tôi thắp ba nén hương thơm, ngồi viết những dòng này, tiếc thương một cây bút châm biếm say nghề. Có ai ngờ cây bút tài hoa ấy, trái tim lúc nào cũng ngùn ngụt lửa đam mê vẽ tranh cười, lại vội ra đi khi Tết Kỷ Sửu đang tới. Cuộc sống luôn là những ẩn số đợi ta ở phía trước. Thôi, chúc Hiệp yên giấc ngàn thu với tiếng cười hóm hỉnh giữa miền cực lạc đầy hoa thơm, hương ngát.

Đêm mùng 4, tháng Một, Mậu Tý

Thọ Cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giã biệt một cây bút trào lộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.