Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyệt Ánh - vầng trăng sân khấu

ANHTHU| 01/07/2004 16:34

Nguyệt Ánh thuộc lớp diễn viên

NSƯT Nguyệt Ánh trong vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan"

Nguyệt Ánh thuộc lớp diễn viên "thế hệ vàng" của sân khấu kịch nói nước nhà. Họ được thừa hưởngchiến thắng của nhân dân ta qua cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, trưởng thành trong không khí hào hùng của miền Bắc trong giai đoạn đầu xây dựng cuộc sống mới, được tắm mình giữa lửa đạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào "tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường". Đắm say, mê mải với ánh đèn quyến rũ của sàn diễn. Tất cả cộng hưởng tạo nên phẩm chất Người, phẩm chất Nghệ cho thế hệ làm sáng danh nền kịch Việt Nam ở thế kỷ XX.

Mới 17 tuổi, như "con nai vàng ngơ ngác" chập chững bước vào trường sân khấu đầu tiên đào tạo diễn viên năm 1960, Nguyệt Ánh cùng các bạn đồng môn khóa I ấy được tiếp xúc, giáo dưỡng nghề nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu của nghệ thuật kịch nói XHCN, đó là đạo diễn, nhà biên kịch tài năng Ngô Y Linh, nhà đạo diễn lừng danh Trần Hoạt, Tiến kỹ nghệ thuật học kiêm nhà sư phạm uyên bác Đình Quang…Chính từ sàn tập cũng là "giảng đường" mộc mạc trong khu văn công Mai Dịch hồi ấy, tác phẩm nổi tiếng "Nila - cô gái đánh trống trận" của kịch tác gia Xô Viết Xa-lưn-xki đã được các thầy chọn lọc làm bài thi tốt nghiệp cho các học trò thân yêu. Những Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Doãn Châu, Mỹ Dung, Minh Mẫn, Kim Thư, Hoàng Yến, Cao Khương, Hà Văn Trọng…được đảm nhận hệ thống nhân vật chính. Và Nguyệt Ánh, cô gái tài sắc của đất Hà thành vinh dự vào vai Nila - Nguyệt Ánh. Nguyệt Ánh - Nila ám ảnh nhà đạo diễn từng phút giây suy nghĩ, sáng tạo với bao nỗi trăn trở, theo ông vào trong các giấc mơ đầy ắp cảm xúc ngọt ngào…

Rời mái trường thân thương với bao kỷ niệm của "một thời để nhớ", các sinh viên khoá 1 này bước thẳng tới Nhà hát Lớn gia nhập Đoàn Kịch TƯ (tiền thân của Nhà hát kịch VN ngày nay). Vở Nila là "giấy thông hành vào đời" cho các nghệ sĩ trẻ. Cũng từ nhà hát uy nghi, tráng lệ bậc nhất Thủ đô này, Nila đã đi tới bao vùng miền, làng mạc trên miền Bắc đang bị bom đạn tàu bay Mỹ cày xới, tới những trận địa pháo trong khí thế "nhằm thẳng quân thù mà bắn", đến điểm tập kết các đoàn quân nô nức chuẩn bị "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Tiếng đạn pháo trên sân khấu nhiều lúc hoà vào tiếng bom rơi, đạn nổ ngoài đời. Và hình ảnh của Nila, nữ đoàn viên cộng sản Kốmsơmôn kiêu hùng và kiên trinh, khôn ngoan và quả cảm, với vẻ đẹp mê hồn từ gương mặt, giọng nói tới ánh sáng tâm hồn ngời ngời cùng bài ca "cô gái đánh trống trận" còn lắng đọng mãi trong trái tim những người lính trẻ. Nguyệt Ánh bừng sáng trong nhân vật cô gái Nga đến từ đất nước của Lê Nin, của Cách mạng Tháng 10 vĩ đại, của cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của nhân dân Xô Viết anh em…Lớp trẻ như Nguyệt Ánh hồi đó chưa một lần đến xứ sở Bạch Dương, cuộc chiến của Liên Xô chống trả và đánh tan mộng bá vương của bè lũ phát xít ngông cuồng chỉ được cảm nhận qua những bộ phim, cuốn sách và những khúc ca êm đềm, tha thiết. Nhạc điệu " Đôi bờ", "Triệu triệu bông hồng", "Kachiusa", "Cây thuỳ dương"..âm hưởng thơ "đợi anh về " xao động cả cõi lòng ..

Vì sao Nila của Nguyệt Ánh có sức lôi cuốn, rung động mạnh mẽ đến thế. Bởi trong Nila không chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn Nga, tính cách Nga, mà hoà trộn, nhuần thấm cả những nét tâm hồn Việt, tính cách nhân ái, trung trinh của người con gái Việt Nam. Tài năng ư? Chưa hẳn. Cốt cách dân tộc, không khí bừng sôi của đời sống cùng tinh thần thời đại đã hội nhập trong tâm tưởng, tư chất công dân của người diễn viên, thắp sáng tài năng nghệ sỹ.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyệt Ánh
(tên đầy đủ Vũ Nguyệt Ánh)

Sinh năm 1943 tại Hà Tây, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba, nhiều Huy chương vàng các đợt Hội diễn sân khấu toàn quốc, đã từ trần ngày 24-6-2004 tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM)

Chính vì thế, sau thành công rực rỡ vai Nila, nhân vật kịch nước ngoài, Nguyệt Ánh đã rất nhuần nhuyễn khi nhập vai nhân vật phụ nữ tiêu biểu của chúng ta trong chiến tranh chống xâm lược, như chị Y (kịch bản Anh Trỗi), vai bác sỹ Nga (kịch bản Đôi Mắt). Chị Y là cán bộ Cách mạng người Sài Gòn, trong lao tù vẫn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho chị em, đồng chí. Bác sỹ Nga là một điển hình tâm trạng hiền hậu, đầy yêu thương của cô gái miền Bắc phải nén chịu tiếng gọi thổn thức của con tim để chăm sóc người yêu là chiến sỹ bị mù ngay trên đường ra mặt trận. Đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức khi dàn dựng vở này đã nhiều lần ngỡ ngàng trước những phút "xuất thần" trong diễn xuất của Nguyệt Ánh. Hình như trong con người nhân vật chị Y, nhân vật bác sỹ Nga có cả những nét tâm hồn Nila - cô gái đánh trống trận thủa nào.

Năm 1977 Đoàn kịch nói Trung ương lần đầu xuất hiện trên sân khấu TPHCM, những vai kịch của Nguyệt Ánh trong các vở diễn trên đã gây xúc động lớn lao trong cảm nhận của khán giả và đồng nghiệp của Sài Gòn sau ngày giải phóng. Khuynh hướng kịch nói XHCN, phong cách diễn xuất của các nghệ sĩ đến từ Thủ đô Hà Nội đã góp phần khai mở cho phong trào kịch nói nơi thành đô hình thành và phát triển. Nguyệt Ánh được ghi nhận là một diễn viên tài sắc, chiếm được cảm tình sâu đậm đối với người Sài Gòn. Có lẽ vì thế chăng, nên những năm sau này Nguyệt Ánh đã chọn thành phố thân thương ấy làm bến đỗ sau cuối của cuộc đời…

Nguyệt Ánh đến với sân khấu như một định mệnh. Người nghệ sĩ tài sắc ấy đã toả sáng trên kịch trường với những vai diễn để đời. Cuộc sống và những người hâm mộ sân kháu còn mãi nhớ Nguyệt Ánh. Nguyệt Ánh- một vầng trăng. Vầng trăng ấy đêm đêm vẫn toả sáng dịu dàng trên vòm trời sân khấu, thao thức với cuộc đời…

NSƯT Vũ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyệt Ánh - vầng trăng sân khấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.