Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu nữ đánh cờ vây

ANHTHU| 16/04/2005 08:07

Đối với độc giả yêu văn học Việt Nam, cái tên Sơn Táp (Shan Sa) còn khá lạ, có thể là do các kênh thông tin chưa đủ sức chuyển tải bộ tác phẩm hay của nước ngoài sang tiếng Việt hoặc thông tin đầy đủ.

Đối với độc giả yêu văn học Việt Nam, cái tên Sơn Táp (Shan Sa) còn khá lạ, có thể là do các kênh thông tin chưa đủ sức chuyển tải bộ tác phẩm hay của nước ngoài sang tiếng Việt hoặc thông tin đầy đủ.

Cây bút nữ trẻ Sơn Táp người Pháp gốc Hoa, được công chúng thế giới biết đến qua Thiên An Môn, Bốn cuộc đời của cây liễu, Nữ hoàng... Có lẽ gốc gác phương Đông nhuần nhị kết hợp với vốn sống, vốn kiến thức Tây học, sự điêu luyện trong việc sử dụng Pháp văn đã giúp chị tạo nên những áng văn giá trị và được đánh giá cao bằng giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay, giải Cazes, giải Vocation... NXB Văn học vừa giúp chúng ta tiếp xúc với Sơn Táp qua “Thiếu nữ đánh cờ vây” (dày 300 trang) - tác phẩm đoạt giải Goncourt 2001 dành cho giới trẻ.

Tiểu thuyết viết theo lối tự sự, câu chuyện của một thiếu nữ 16 tuổi Trung Quốc xen kẽ với chàng sĩ quan Nhật Bản. Sự gặp gỡ của họ thật tình cờ, với niềm đam mê chung là cờ vây. Sơn Táp đã tái hiện một thời kỳ đau thương của Trung Hoa trong sự biến chuyển từ phong kiến lên hiện đại. Tình yêu của họ nảy nở trong một bối cảnh đặc biệt, giữa hai người ở hai phía của một cuộc chiến. Sự lãng mạn dường như được cờ vây nâng đỡ. Tác giả đã dụng công gây dựng được một “thế giới cờ vây” với khoảng không gian, thời gian vượt ra khỏi sự lộn xộn của cuộc chiến đẫm máu. ở quảng trường Thiên Phong - nơi có một bàn cờ đá khắc sẵn, những người chơi cờ dường như chỉ còn biết tới những quân cờ, những nước đi vây hãm. Họ chơi say sưa trong sự yên ắng lạ thường giữa lúc chiến tranh. Không một lời nói, chỉ có tiếng động từ những quân cờ di chuyển mà qua nó, người ta có thể biết được tâm trạng của người chơi.

Tình yêu của đôi nhân vật rất đời. Trước khi nảy sinh thứ tình cảm câm lặng, hai nhân vật chính đã trải qua bao biến cố. Cô nữ sinh sớm bước vào thế giới của người lớn và khám phá ra rằng nó chẳng có gì là thú vị. Những ảo tưởng về đàn ông dần mất đi sau những lần cô gắn với Mẫn, với Kinh... Còn chàng sĩ quan Nhật cũng có Minh, có Lan và các geisha. Chiến tranh đã đẩy cuộc đời họ nổi trôi. Và rồi, như một sự tình cờ mà hữu ý, họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh éo le. Cô gái bị bọn lính Nhật bắt và sắp bị hãm hiếp. Chàng trai chỉ còn một cách là giúp cô thoát khỏi sự làm nhục này nhờ khẩu súng, sau đó đi cùng cô sang thế giới bên kia. Cho đến tận lúc chết họ vẫn chưa biết tên nhau, cũng như độc giả cho đến tận cùng câu chuyện vẫn không hề biết tên hai nhân vật chính.

Với văn phong sáng sủa, tự nhiên, “Thiếu nữ đánh cờ vây” cuốn hút ta. Vẻ nữ tính của tác giả thể hiện rõ nét hơn ở cuối tiểu thuyết, nó như một dòng chảy tuôn trào không ngừng nghỉ.

Thông qua diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật, qua tình yêu chưa từng được biểu lộ của đôi trai gái, tác phẩm phản ánh nỗi đau thương, bi ai của bao kiếp người trong cái khốc liệt của chiến tranh. Sơn Táp thêm một lần nữa khẳng định một chân lý vĩnh hằng: Tình yêu có thể giúp con người vượt qua mọi trở ngại, thậm chí hóa giải hận thù. Nếu đọc tác phẩm này, hẳn bạn sẽ còn cảm nhận được nhiều điều khác nữa.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu nữ đánh cờ vây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.