Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem các gameshow truyền hình mà… xót xa!

Hoàng Lân| 21/09/2012 14:34

(HNMO) – Đó là chia sẻ của NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ VHTT&DL với các đoàn nghệ thuật trực thuộc Trung ương diễn ra sáng nay (21/9)...

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, việc nở rộ quá nhiều chương trình gameshow mua bản quyền nước ngoài khiến cho khán giả bị mất định hướng trong việc thưởng thức nghệ thuật


* Nghệ thuật bị lạm dụng bởi quảng cáo

Trong cuộc bàn tròn lấy ý kiến của 11 đơn vị nghệ thuật trực thuộc trung ương để chuẩn bị làm tiền đề soạn thảo Quy chế chung giữa cơ quan quản lý văn hoá với các đơn vị biểu diễn, có khá nhiều ý kiến bày tỏ việc Bộ VHTT&DL cần phải có sự đầu tư, phát triển định hướng hơn nữa. Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu VN – Lê Tiến Thọ cho rằng, gần đây văn hoá, nghệ thuật của nước nhà ít được chú trọng đầu tư theo chiều sâu. Những chương trình mang tiếng là nghệ thuật được tung hô rất nhiều nhưng thực chất là do quảng cáo.

Theo ông Thọ, gần đây văn hoá của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi các gameshow của nước ngoài. Trên sóng Đài truyền hình Quốc gia tràn ngập các chương trình mua bản quyền từ các nước. Cứ nhìn những chương trình gameshow, chương trình truyền hình thực tế phát sóng trực tiếp trên truyền hình mà thấy… xót xa. Chúng ta không xây dựng được những hình tượng riêng trong từng lĩnh vực nghệ thuật, thế nên mới có chuyện giới teen Việt Nam bây giờ có hành động điên rồ là hôn ghế một thần tượng Hàn Quốc khi anh này sang Việt Nam biểu diễn. Theo ông Thọ, Bộ VHTT&DL khi phê duyệt chương trình dù là trên truyền hình, cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Nhiều chương trình được khen quá lời chủ yếu là do quảng cáo (Ảnh: Chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt, mua bản quyền từ The Voice)


Về mối liên kết giữa các cơ quan quản lý văn hoá và các đơn vị nghệ thuật, chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thẳng thắn cho rằng, sự phối hợp này đôi khi chưa chặt chẽ. Đơn cử như trong các kỳ Liên hoan như Liên hoan sân khấu kịch nói vừa diễn ra tại Huế, Bộ thành lập Ban chỉ đạo Liên hoan nhưng suốt cả kỳ cuộc không thấy bóng dáng của Ban chỉ đạo đâu.

“Chúng ta thành lập Ban chỉ đạo để cho có thì lập làm gì? Ban chỉ đạo đó phải có định hướng cụ thể chứ không phải ngày mai đi diễn, thì hôm nay có Ban chỉ đạo" - ông Thọ thẳng thắn. Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam đề xuất với Bộ VHTT&DL, trong Quy chế mới nên có quyết định thành lập Ban chỉ đạo từ sớm để có những quyết sách cụ thể. Điều này cũng nhằm nâng cao chất lượng trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn, phần khác sẽ tránh những lùm xùm, thắc mắc không đáng có trong giới văn nghệ sĩ. Trong quy chế mới, ngoài việc làm rõ vai trò của Ban chỉ đạo, còn nên quy định rõ ràng những thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban tổ chức không có tác phẩm tham gia dự thi nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trong nhiều kỳ Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật đã diễn ra.

* Tiêu chí phong tặng nghệ sĩ: Cần xem lại?

Trong cuộc lấy ý kiến của các đơn vị nghệ thuật, ý kiến của đại diện 3 Hội như Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nhạc sĩ đều có chung quan điểm cho rằng, việc xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ bây giờ quá dễ dàng. Điều này khiến cho nhiều Hội diễn, Liên hoan tổ chức mang nặng tính ăn thua, các đơn vị tham gia các Liên hoan chỉ chú tâm đến việc mang thật nhiều huy chương về cho nghệ sĩ để thuận lợi cho việc xét tặng sau này. NSND Lê Tiến Thọ kiến nghị với Bộ VHTT&DL, nên xem xét lại tiêu chí phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND. “Theo chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, cứ 2 năm một kỳ Liên hoan nghệ thuật như hiện nay thì chẳng mấy chốc mà hết nghệ sĩ để xét tặng danh hiệu. Tôi đồ rằng, đến năm 2020 thì Bộ bỏ luôn cả việc xét tặng danh hiệu vì làm gì còn ai để mà xét”, ông Thọ nói vui trong cuộc họp.

Các đoàn nghệ thuật kiến nghị Bộ VHTT&DL ưu ái hơn nữa cho những loại hình nghệ thuật truyền thống


Đồng tình với quan điểm này, NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục NTBD, Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa cho rằng, những thế hệ ngày trước phải cống hiến rất nhiều, sở hữu vài chục huy chương, lập nhiều thành tích trong và ngoài nước mới được xét tặng danh hiệu, bây giờ những nghệ sĩ trẻ không cần cống hiến nhiều lắm đã được phong tặng rồi. Nếu các tiêu chí không được xem xét lại có thể sẽ khiến cho các nghệ sĩ trẻ tự dễ dãi với bản thân. Ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam lại ý kiến: nếu cứ giữ tiêu chí phong tặng hiện nay, sẽ có nhiều nghệ sĩ suốt đời không bao giờ được phong tặng, ví như nhạc công, nhưng nếu thiếu họ, cả dàn nhạc sẽ bị… đổ.

Về các vấn đề liên quan đến nghệ thuật truyền thống, đại diện của các Hội chuyên ngành đều đồng tình, Bộ VHTT&DL cần có sự ưu ái đầu tư cho những loại hình nghệ thuật gặp nhiều khó khăn như Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc, Kịch… NSND Lê Ngọc Cường bày tỏ quan điểm, riêng loại hình Tuồng, Bộ VHTT&DL nên có chính sách riêng, tập trung đầu tư cho các nghệ sĩ chỉ để bảo tồn các tác phẩm, không nên bắt các nghệ sĩ dàn dựng những vở Tuồng mới, vì làm như vậy không hiệu quả, nghệ sĩ vừa khổ, lại không ai xem.

Trong cuộc họp lấy ý kiến của các đơn vị nghệ thuật mới chỉ dừng ở việc, lãnh đạo Bộ VHTT&DL lắng nghe ý kiến, tâm tư của các đoàn nghệ thuật. Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn, Bộ sẽ còn tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến nữa trước khi đưa ra Quy chế phối hợp làm việc chung giữa các cơ quan quản lý văn hoá và các đơn vị nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem các gameshow truyền hình mà… xót xa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.