Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học dịch: Thưởng thức hay loay hoay “sai” - “đúng”?

Thi Thi| 12/05/2013 06:09

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà có cuộc tọa đàm về văn học dịch thu hút khá đông các dịch giả từ U90 cho đến thế hệ 8X như sự kiện vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace) ngày 8-5.



Nhã Nam - một đối tác xuất bản thường xuyên làm sách dịch và có nhiều dịch phẩm gây tranh cãi nhất gần đây, cũng là đơn vị đồng tổ chức tọa đàm với L'Espace. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây chỉ là một cuộc tọa đàm để "thanh minh"…

Quang cảnh buổi tọa đàm.


"Đúng" - "sai" trong văn học dịch

Quãng một năm trở lại đây, văn học dịch có nhiều sự vụ "hâm nóng" dư luận như vụ dịch sai hài hước "Bố em bị ung thư cổ tử cung", hay những tranh cãi về chuyển ngữ ở tác phẩm "Lolita", gần đây nhất là bản dịch "Những thứ họ mang" chia độc giả làm hai "phe": một bên phê phán kịch liệt những đoạn dịch "tục" và bên kia cho rằng thế là đúng theo tinh thần nguyên tác… Tất cả khiến "dịch giả" trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn.

Những câu hỏi được đặt ra: Dịch phẩm văn học trước nay có chuyện dịch sai không, ranh giới giữa đúng - sai trong dịch văn học thế nào và phê bình ra sao để cổ vũ cho văn học dịch nước nhà?

Nhà giáo, dịch giả lão thành Lê Hồng Sâm khẳng định: Các dịch phẩm trước đây cũng có chuyện sai. Sai có chứng cứ hẳn hoi. Nhưng là rất ít thôi. Các dịch giả đều làm việc một cách hết sức cẩn thận và có trách nhiệm. Trao đổi với Hànộimới, dù không trực tiếp có mặt ở buổi tọa đàm, nhưng dịch giả tiếng Nga nổi tiếng - nhà giáo Lê Đức Mẫn cũng cho rằng: Dịch thuật văn học là công việc không ai dám nói rằng mình đúng 100%. Vấn đề là phải chuyển tải được toàn bộ tinh thần cốt lõi của tác phẩm. Và "đúng" - "sai" cũng còn phụ thuộc vào quan điểm về dịch thuật văn học (như dịch phẩm là văn bản ngôn ngữ hay một tác phẩm nghệ thuật; dịch giả là tác giả hay đồng tác giả?...).

Về điều này, dịch giả Lê Hồng Sâm từng nói: Dịch văn học là công việc phục tùng có sáng tạo. Chia sẻ với quan điểm này của bà, dịch giả Trịnh Lữ (người chuyển ngữ tác phẩm nổi tiếng đã được dựng thành phim là "Cuộc đời của Pi") cũng đặt ra một vấn đề: Thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật có nên đặt vấn đề "chính xác" như một văn bản hành chính không? Thực tế là có những bản dịch chính xác về ngôn ngữ nhưng lại không có giọng và không được yêu thích ? Ông cũng đưa ra những phân tích đáng chú ý: Sự phản ứng của bạn đọc có lúc tưởng là về mặt ngôn ngữ, nhưng thực ra là bắt rễ sâu từ văn hóa, từ mong đợi theo chủ quan của mình về dịch phẩm. Khi không thỏa mãn điều đó thì phản ứng lại. Dịch thuật Việt Nam hiện nay theo xu hướng mang văn hóa từ bên ngoài đến với bạn đọc trong nước, khác với trước đây là cố gắng bản địa hóa theo tinh thần Việt.

Có thể điều này tạo ra những lối tiếp nhận khác nhau của bạn đọc, mà đôi khi nó đi hơi xa so với những vấn đề cốt lõi của dịch thuật. Vậy, nói như thế có phải là triệt tiêu phê bình không?

Phê bình ra sao - dịch giả phản ứng thế nào?

Nhà giáo Đặng Thị Hạnh (con gái cố GS Đặng Thai Mai), hay dịch giả Lê Hồng Sâm đều chung chia sẻ: Ngày nay, bạn đọc quan tâm nhiều hơn đến dịch thuật, thường xuyên phản hồi đối với dịch phẩm, đó là điều đáng mừng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì khẳng định: Có sai thì có sửa! Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả của dịch phẩm gây tranh cãi "Những thứ họ mang" cũng thừa nhận một số lỗi dịch sai mà một bạn đọc đã tận tình chỉ rõ cho anh. Còn Lương Việt Dũng, một dịch giả trẻ tiếng Nhật thì chia sẻ: Người dịch trẻ hiện nay khá nhiều, tự mình xem lại thấy cũng có cái sai. Nhưng nhiều khi sai không phải từ thái độ, mà từ vốn sống. Thứ vốn sống không phải chỉ trải nghiệm là đủ, mà phải thực sự thấm đẫm về văn hóa thì mới chuyển tải nổi…

Tuy nhiên, không khí phê bình dịch thuật văn học có vẻ như không đi theo hướng chia sẻ, thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau. Nhiều người cho rằng chỉ nhìn vào từ ngữ như "bị ném đá", "bị đánh", rồi "thảm họa"… đã thấy ít nhiều sự nặng nề của phê bình văn học dịch. Phải chăng, nói như nhà giáo, dịch giả Lê Hồng Sâm là cần giữ khái niệm "độ", thế nào là vừa đủ trong cả dịch thuật lẫn phê bình. Theo bà, muốn đúng "độ" thì lại phải có tấm lòng, ý thức, đến mức trở thành một thói quen. Tuy nhiên, khái niệm "độ" không phải bất biến, nó thay đổi phù hợp với thời đại. Chẳng hạn như ngôn ngữ trong đối thoại trước và nay. Bà cũng bày tỏ, phê bình hiện nay vẻ như cũng thiên nhiều về "chê" mà ít có sự động viên, khích lệ. Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng: Muốn khích lệ văn học dịch bằng phê bình thì phải có bề dày về lý thuyết, đưa ra những lý do cụ thể, thuyết phục.

Dịp này, Nguyễn Bích Lan - người chuyển ngữ "Triệu phú khu ổ chuột" (từng đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam) đặt câu hỏi: Dịch giả ứng xử thế nào khi rơi vào tình huống bị "mổ xẻ" như vậy? Tiến sĩ Nguyễn Duy Bình (Đại học Vinh) băn khoăn rằng, tác phẩm anh đang dịch có tới nguyên một trang những từ ngữ có thể gây "sóng gió" tương tự như những câu chữ bị kêu là "tục" trong "Những thứ họ mang". Vậy giữ nguyên trọng lượng văn hóa của ngôn ngữ hay cân nhắc giảm nhẹ hoặc nói tránh?

Những câu hỏi này của dịch giả hay những nỗi lo lắng của bạn đọc về chất lượng dịch phẩm đều quan trọng ngang nhau. Có một vấn đề ảnh hưởng tới ứng xử của cả hai đối tượng trên chính là tiếng nói học thuật của những chuyên gia trong lĩnh vực này. Đáng tiếc, khi có một sự vụ xảy ra, có khi các chuyên gia lại ngại nói. Vì vậy, sẽ là có lợi hơn cho cả nền dịch thuật văn học, cho bạn đọc khi phê bình được cổ vũ hơn nữa nhưng là theo tinh thần hiểu biết, thẳng thắn và tôn trọng nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học dịch: Thưởng thức hay loay hoay “sai” - “đúng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.