Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai hội Côn Sơn - Kiếp Bạc vào ngày 14 tháng Giêng

Theo Mạnh Tú| 02/02/2014 07:01

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2014 sẽ được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 13 - 22/2 (tức ngày 14 – 23 tháng Giêng âm lịch).



Lễ hội năm nay kỷ niệm 680 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2014) nhằm tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm trong sự nghiệp thống nhất tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc; phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách; tiếp tục tuyên truyền quảng bá các giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Côn Sơn – Kiếp Bạc có ý nghĩa, tầm quan trọng trong lịch sử đất nước; thể hiện công lao to lớn của thiền phái Trúc Lâm với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, lòng tự tôn dân tộc; công lao của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả.

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý. Ông cùng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi trong nước thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, xây dựng tòa cửu phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Hằng năm, ngày mất của ông trở thành ngày giỗ Tổ của chùa Côn Sơn. Từ đó, di tích Côn Sơn luôn giữ vai trò là trung tâm Phật giáo xứ Đông xưa.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2014 gồm các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả… và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian được diễn ra trong suốt các ngày hội như: Thi gói bánh chưng, giã bánh giày; hội thi pháo đất; thi đấu vật dân tộc...

Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đang tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào đến khu di tích sẽ được cắm nhiều cờ lễ, băng zôn giới thiệu sơ lược về lễ hội được treo ở các trục đường chính và tại thành phố Hải Dương, trên tuyến đường 18 từ Phả Lại, Đông Triều đến khu di tích. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, Ban quản lý di tích phối hợp với Công an thị xã Chí Linh đã xây dựng phương án để đảm bảo cho du khách hành hương về Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bên cạnh lực lượng cảnh sát giao thông chốt tại tất cả các điểm, tuyến đường dễ xảy ra ách tắc, công an Chí Linh còn tổ chức các tổ cảnh sát giao thông cơ động, sẵn sàng phân luồng, tuyến, có mặt kịp thời điều tiết giao thông. Ban quản lý cũng tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích ký cam kết không tăng giá dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau những ngày diễn ra Lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, giắt, đặt rải tiền một cách tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân công đức tu bổ di tích… Ban quản lý còn phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, bắt chẹt, nâng giá chèo kéo du khách thập phương.

Cũng trong dịp đầu Xuân, tại đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng, xã Văn An, thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) sẽ diễn ra lễ khai bút vào những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014. Nét văn hóa đẹp khai bút và xin chữ đầu Xuân có từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học và duy trì đến nay./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai hội Côn Sơn - Kiếp Bạc vào ngày 14 tháng Giêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.