Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Giữ hồn" cho Tết Trung thu

Hà Hiền| 14/09/2016 07:34

(HNM) - Như mọi năm, Trung thu năm nay cũng được nhiều đơn vị, nhiều địa phương tổ chức khá sôi động. Tuy nhiên có thể nhận thấy các hoạt động phần lớn theo kiểu tùy hứng nên trùng lặp và nhàm chán ngay cả với con trẻ.



Về miền cổ tích

Đã qua rồi cái thời phụ huynh không biết cho con đi đâu, chơi gì vào dịp Tết Trung thu. Năm nay, ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, chợ Trung thu truyền thống trên phố Hàng Mã và các tuyến phố lân cận của quận Hoàn Kiếm đã đầy ắp đồ chơi với nhiều kiểu dáng, chủng loại. Đến đây, phụ huynh có thể chọn bất kỳ món đồ chơi nào cho con em mình. Những địa chỉ văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội “nhuộm” sắc màu Trung thu truyền thống: Hình ảnh về “Những người giữ hồn Trung thu” của nhiếp ảnh gia Lê Bích (tại đình Kim Ngân ở 42-44 Hàng Bạc), không gian Tết Trung thu truyền thống của những gia đình người Hà Nội xưa ở Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây cùng các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian.

Năm nay, lần đầu tiên thiếu nhi được vui Trung thu tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ ngày 9 đến 11-9. Trong không gian văn hóa này, những người làm công tác bảo tồn di sản đã cố gắng mang đến cho các em những món ăn tinh thần đa dạng: Chương trình múa rối cạn của phường rối Tế Tiêu (Mỹ Đức), múa sư tử của đội múa làng Triều Khúc (Thanh Trì); nghệ nhân làm đồ chơi, làm bánh Trung thu với thiếu nhi, giúp các cháu khám phá nét văn hóa truyền thống. Cùng thời gian trên, tại Bảo tàng Hà Nội, nườm nượp phụ huynh đưa con em đến tham gia lễ hội Trung thu - Rước trăng chơi phố, hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian lý thú. Các nghệ nhân đến từ tỉnh Bạc Liêu mang “phong vị” Trung thu là lạ, hấp dẫn của miền Tây Nam Bộ đến với thiếu nhi Hà thành qua nhiều hoạt động vui nhộn tại Bảo tàng Dân tộc học.

Đến hẹn lại lên, lễ hội Trung thu 2016 do Bộ VH-TT&DL tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ ngày 13 đến 15-9, gồm chuỗi hoạt động văn hóa tổng hợp dành cho thiếu nhi. Nổi bật là triển lãm “Tết Trung thu Việt với Cộng đồng ASEAN", talk show giới thiệu mặt nạ truyền thống Việt Nam và mặt nạ trên thế giới… Dịp này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng tổ chức đêm hội Trung thu, nhắc nhở con em luôn nhớ về truyền thống văn hóa của dân tộc, như ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong buổi nói chuyện về Tết Trung thu tại Bảo tàng Hà Nội vào ngày 10-9: “Trong nhịp sống sôi động, có chỗ, có nơi, có người quên đi trách nhiệm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nét văn hóa dân gian của Tết Trung thu nói riêng. Bởi thế, các lễ hội Trung thu đậm đặc hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức đã góp phần đưa thiếu nhi về miền cổ tích, đồng thời khơi dòng văn hóa dân gian chảy mãi, chảy mãi”.

Giống nhau quá hóa nhàm

Nhìn vào kịch bản của nhiều lễ hội Trung thu, có thể nhận thấy lễ hội nào cũng có chương trình văn nghệ gồm các tiết mục múa lân, sư tử, hoạt cảnh chú Cuội, chị Hằng, ca khúc thiếu nhi; có trò chơi bịt mắt bắt dê, bắt chạch trong chum… Những hoạt động này hoàn toàn phù hợp với Tết Trung thu, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện. Nhưng, việc tổ chức nhiều hoạt động giống nhau ở các lễ hội khác nhau, trong cùng một thời điểm phần nào khiến cho công chúng cảm thấy chưa thỏa mãn. Chị Nguyễn Thị Nga, trú tại Khu tập thể Xây lắp, phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm) kể: “Năm nay, gia đình tôi đưa các cháu đến nhiều điểm vui Trung thu. Ở một, hai địa điểm đầu, các cháu tỏ ra hứng thú, bố mẹ giục cũng không về. Nhưng đến địa điểm thứ ba, thứ tư thì các cháu bắt đầu chán vì các trò chơi lặp lại”. Còn em Trần Minh Nguyệt, Trường THCS Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân) thì bày tỏ: “Hai năm liền cháu học làm bánh ở các lễ hội Trung thu, nhưng cháu chưa làm được món nào hoàn chỉnh. Chỗ nào các bác, các cô, chú cũng để sẵn bột, chúng cháu chỉ nghe hướng dẫn rồi đổ bột vào khuôn, thế là xong. Học làm đồ chơi cũng vậy, chúng cháu mới hiểu sơ qua về ý nghĩa các món đồ chơi, chưa biết làm món đồ chơi nào vì các nghệ nhân giới thiệu nhanh quá, chúng cháu không nhớ được. Chúng cháu rất mong được trực tiếp tham gia vào các hoạt động từ khâu đầu đến khâu cuối, chứ không chỉ có nhìn và nghe”. Đó cũng là phản ánh, mong muốn của nhiều phụ huynh và các cháu thiếu nhi khi tham gia các lễ hội Trung thu.

Về vấn đề này, một số nghệ nhân bày tỏ, hơn ai hết họ rất muốn các cháu thiếu nhi cảm nhận, lĩnh hội được ý nghĩa của Tết Trung thu và các trò chơi dân gian một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất, nhưng khoảng thời gian mà Ban tổ chức các lễ hội dành cho họ có hạn, không gian cũng có hạn nên rất khó thực hiện.

Thiết nghĩ, từ xưa đến nay, tổ chức hoạt động văn hóa, giới thiệu trò chơi và đồ chơi dân gian truyền thống không đơn thuần là để giải trí, mà còn là cách giáo dục con trẻ sống nhân ái, nghĩa tình, hướng về cội nguồn. Bởi thế, việc tổ chức lễ hội Trung thu như thế nào, “liều lượng” của các sự kiện bao nhiêu, làm gì để tạo điểm nhấn riêng cho từng lễ hội là điều cần được quan tâm thỏa đáng, nhằm tránh sự trùng lặp tại các lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Giữ hồn" cho Tết Trung thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.