Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hiện vật “biết nói”

Hà Hiền| 10/01/2017 06:48

(HNM) - Ngày 10-1, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tới công chúng hệ thống về các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng (số 1, Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam”.

Trống đồng Ngọc Lũ - bảo vật quốc gia



16 bảo vật quốc gia được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu tới công chúng đợt này là những hiện vật quý hiếm, chứa đựng những giá trị đặc biệt, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Chẳng hạn, trống đồng Ngọc Lũ cho đến nay vẫn được giới chuyên môn đánh giá là chiếc trống đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. Ngoài mô típ hoa văn hình học, trống đồng Ngọc Lũ còn có các vành, băng hoa văn tả thực cảnh diễu hành hóa trang, hát đối đáp, đánh trống, giã gạo, hình nhà cầu mùa, nhà sàn, hình thuyền chiến với các chiến binh đang thực hiện nghi lễ hiến tế, hình các loại động vật như hươu, các loài chim...

Cũng ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 - 2500 năm, trống đồng Hoàng Hạ, thạp Đào Thịnh, tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi kèn, cây đèn hình người quỳ, mộ thuyền Việt Khuê là những bằng chứng chân thực, sinh động khẳng định người Việt cổ có đời sống văn hóa, tinh thần rất phong phú. Cụ thể, tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi kèn miêu tả hai người đàn ông đóng khố, đầu chít khăn, đeo khuyên tai lớn chạm vai, cõng nhau trong tư thế khom lưng, hai tay vòng ra sau ôm đỡ người ngồi trên lưng, hai chân như đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Người được cõng đang say sưa thổi kèn. Tương tự, cây đèn hình người quỳ thể hiện hình tượng người đàn ông cởi trần, đóng khố trong tư thế quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Đầu tượng gắn vương miện, tóc để chỏm, hai vai và sau tượng gắn 3 cành chữ S, mỗi cành chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn một hình người đang quỳ. Trên đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo…“Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc đồng khéo léo và phản ánh thẩm mỹ, cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khẳng định.

Ngoài các hiện vật tiêu biểu thời kỳ Đông Sơn, công chúng có thể thấy nhiều hiện vật của các thời kỳ văn hóa khác như bia Võ Cạnh (Văn hóa Chămpa, thế kỷ 3 - 4); chuông chùa Vân Bản (thời Trần, thế kỷ 13 - 14); “Môn hạ sảnh ấn” (thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5, 1377); bia điện Nam Giao (thời Lê Trung hưng, năm Vĩnh Trị 4, 1679); trống Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh, 1800); ấn “Sắc mệnh chi bảo” (thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827)… Trong trưng bày “Bảo vật quốc gia Việt Nam”, lần đầu tiên công chúng có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu theo hệ thống các hiện vật gốc về “Nhật ký trong tù”, “Đường Kách mệnh” và bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Như vậy, trưng bày sẽ giới thiệu tới khách tham quan một cách khái quát những bảo vật vô giá - những hiện vật ăm ắp giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hiện vật “biết nói”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.