Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chiếu chèo chiến sĩ” thực hiện lời Bác dạy

An Nhi| 02/04/2017 07:48

(HNM) - “Các cháu là người lính, người nghệ sĩ, các cháu phải rèn luyện để diễn cho bộ đội, cho nhân dân xem ngày càng hay hơn…”.


Nhà hát Chèo Quân đội có truyền thống 63 năm thực hiện nhiệm vụ đưa nghệ thuật chèo phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội và nhân dân. Thế hệ nghệ sĩ những ngày đầu ấy còn nhớ rõ, vào ngày 28-3-1967, Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần (tên trước đây của Nhà hát Chèo Quân đội) vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn vở chèo “Anh lái xe và cô chống lầy”, cùng một số tiết mục ca nhạc khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đã khen ngợi đoàn và căn dặn mỗi chiến sĩ, nghệ sĩ phải rèn luyện để diễn ngày càng hay hơn. Hồi tưởng lại, NSƯT Nguyễn Thế Phiệt, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần kể: “Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngay sau đó, chúng tôi đưa các vở diễn của đoàn đi phục vụ những binh trạm dọc tuyến đường Trường Sơn. “Chiếu chèo chiến sĩ” tự hào là đơn vị nghệ thuật đầu tiên đặt chân lên dãy Trường Sơn hùng vĩ, theo chân bộ đội, đem lời ca tiếng hát tới động viên từng đơn vị. Bao khó khăn, gian khổ trên những con đường mưa bom, bão đạn, có khi gặp cơn sốt rét kéo dài, nhưng ai cũng xung phong đi diễn và có ba người đã hy sinh…”.

Sau khi miền Nam được giải phóng, tháng 5-1975, “Chiếu chèo chiến sĩ” đã có mặt ở các vùng giải phóng, lần đầu tiên đem tiếng hát chèo cách mạng - một sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Bắc Bộ đến với miền Nam. 67 cán bộ, diễn viên đi hết các tỉnh sông nước miền Tây, diễn hơn 100 đêm, động viên hàng vạn khán giả vừa trải qua cuộc chiến ác liệt.

Nhà hát Chèo Quân đội tuy hoạt động nghệ thuật truyền thống nhưng cơ động như một đơn vị bộ đội tác chiến, lúc tách lúc nhập, thay đổi tên gọi, di chuyển nhiều địa bàn… Nhưng điều không đổi là họ luôn giữ vững nhiệt huyết và tinh thần phục vụ hết mình. “Chúng tôi yêu công việc, vì vừa được làm nghệ thuật, vừa được tôi luyện vững vàng trong môi trường quân đội, lại sống trong tình cảm nồng ấm của nhân dân”, NSƯT Nguyễn Thế Phiệt nói. Mỗi năm, Nhà hát chia thành 2-3 đoàn, thường đi biểu diễn theo đợt ở các nơi chiến sĩ đóng quân, từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau, ngoài phục vụ chiến sĩ còn tích cực biểu diễn phục vụ nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Bác, Nhà hát Chèo Quân đội luôn xác định phải sáng tạo những tác phẩm hay và hay hơn nữa. NSND Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: “Chiếu chèo chiến sĩ” có sự khác biệt với các đơn vị nghệ thuật chèo thông thường là ở kịch mục thường đi sâu vào đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh đời sống của chiến sĩ năm xưa và hôm nay. Còn nhớ, bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” của cố NSND Tào Mạt được dựng từ năm 1979 đến năm 1985 của Nhà hát đã trở thành một hiện tượng của sân khấu chèo nước nhà. Với nội dung ca ngợi chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, tư tưởng yêu nước, thương dân, trọng nghĩa, khinh tà, phê phán cái xấu, cái ác... những tác phẩm ấy đi đến đâu cũng được khán giả khen ngợi và giành nhiều giải thưởng sân khấu chuyên nghiệp. Sau này, liên tiếp những tác phẩm mang nét đặc sắc của “Chiếu chèo chiến sĩ” đã gặt hái thành công: “Chiếc bóng oan khiên” (kỷ lục về số buổi diễn và sức sống lâu bền), “Nữ tú tài”, “Người tử tù mất tích”, “Tiếng hát người áo rách”, “Lời ước nguyền”, “Điều đọng lại sau chiến tranh"…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chiếu chèo chiến sĩ” thực hiện lời Bác dạy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.