Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một năm Hà Nội thực hiện quy tắc ứng xử: Để nếp sống văn minh không chỉ là lời nói

Hoàng Lân| 11/01/2018 14:04

(HNMO) –  Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, trong gần 1 năm thực hiện triển khai hai quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến.



Sau gần 1 năm thực hiện, quy tắc ứng xử đi vào đời sống đã có sức lan tỏa tới người dân.


Đưa QTƯX gần gũi với đời sống


Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành văn bản số 545-CV/TU ngày 9-2-2017 về việc thực hiện QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; UBND Thành phố ban hành văn bản số 625/UBND-KGVX ngày 20-2-2017 về triển khai thực hiện QTƯX của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc TP Hà Nội, Sở VH-TT đã triển khai thực hiện để đưa nội dung của QTƯX đến gần hơn với đời sống nhân dân.

Theo báo cáo của Sở VH-TT, trong gần 1 năm thực hiện 2 QTƯX này, sở đã in ấn 10.000 sổ tay QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan thuộc TP Hà Nội, đề nghị cấp phát cho cán bộ, công chức, viên chức để phổ biến trong toàn cơ quan; 20.000 sổ tay QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP triển khai tới các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để phổ biến tới từng thôn, làng, tổ dân phố.

Công tác tuyên truyền 2 QTƯX tới người dân được tiến hành mạnh mẽ ở nhiều hình thức như: Phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch 2017”; phối hợp với Thành đoàn tuyên truyền 90 cuộc trên địa bàn các quận, huyện, thị xã (thành lập Đội hình Camera 360 trẻ, tọa đàm “Thanh niên Thủ đô xứng xử văn hóa, hành động văn minh); xây dựng hơn 1.000 tin bài, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về QTƯX trên địa bàn TP; tổ chức 30 hội nghị tọa đàm trao đổi, hội thi tuyên truyền QTƯX nơi công cộng tại các quận, huyện, thị xã…

Việc triển khai QTƯX của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội cũng được triển khai đồng bộ trong gần 1 năm qua với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, phố biến dưới cờ, ký cam kết giữa Thủ trưởng đơn vị và lãnh đạo.

Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt QTƯX khi tiếp công dân.


Tại những đơn vị đặc thù tiếp công dân, thực hiện việc niêm yết nội quy của QTƯX như lời răn để các cán bộ, nhân viên cần thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, tại các bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Trung tâm pháp y… tiến hành xây dựng và niêm yết nội dung quy tắc đồng thời xây dựng khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình; Sự hài lòng của người bệnh là uy tín của chúng tôi”.

Tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, các bệnh viện, trường học thiết kế bảng tin nội dung thực hiện Quy tắc treo tại nơi mọi người dễ thấy, dễ nhìn để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện.

Tại trung tâm văn hóa - thể thao thôn làng, tổ dân phố, các điểm di tích cũng đã được niêm yết công khai để các du khách chấp hành theo đúng quy định. Đồng thời, các địa phương đã tiến hành tổ chức rà soát, bổ sung nội dung quy tắc vào các hương ước, quy ước thôn làng, tổ dân phố phù hợp với các quy định của địa phương.

Theo báo cáo của Sở VH-TT, đến nay, đã có 317 đơn vị đã tiến hành treo bảng tin hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trong đó có những quận làm tốt công tác này như: Ba Đình, Hà Đông, Long Biên; và các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức…

Giáo dục nội dung QTƯX từ các cấp học


Hai QTƯX được triển khai vào đời sống được gần 1 năm đã có tác động chuyển biến rõ nét trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của không chỉ công chức, viên chức mà cả với nhiều người dân đang sinh sống, làm việc, du lịch tại Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, việc thực hiện 2 QTƯX vẫn còn gặp những hạn chế như: Sự vào cuộc của các cơ quan thuộc TP chưa đều; chưa thành lập được đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và xử lý vi phạm; việc tuyên truyền còn chưa phủ khắp toàn thành phố, nội dung tuyên truyền chưa sinh động nên chưa tạo được ấn tượng về nội dung các QTƯX tới cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô; ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực, vẫn xảy ra tình trạng bạo hành gia đình, vứt rác bừa bãi nơi công cộng, phóng nhanh vượt ẩu, chưa chấp hành đúng luật giao thông…

QTƯX cần được giáo dục mạnh mẽ ngay từ trong các cấp học.


Những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai QTƯX được ngành VH-TT nhìn nhận khá rõ nét. Vấn đề đặt ra là làm sao để trong thời gian tới QTƯX sẽ thấm sâu vào ý thức, tư tưởng, thái độ sống của người dân một cách rõ nét chứ không chỉ còn là lời nói.

Sở VH-TT Hà Nội cho rằng, phương hướng thời gian tới ngoài việc tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thì các phương thức tuyên truyên cần rõ nét, cụ thể và thiết thực hơn như tổ chức các hội thi ở hình thức sân khấu hóa tìm hiểu về QTƯX trong cơ quan, địa phương; lồng ghép nội dung QTƯX vào chương trình học ngoại khóa ở các cấp học phổ thông, đến các trường đại học, cao đẳng; bổ sung tiêu chí thực hiện QTƯX vào bình xét các danh hiệu văn hóa; lồng ghép nội dung QTƯX vào tờ rơi du lịch, các bài thuyết minh du lịch của các hướng dẫn viên…

Về vấn đề này, trong cuộc họp Tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra sáng nay (11-1) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hóa gia đình đối với việc xây dựng nếp sống văn hóa cho xã hội.

“Văn hóa trong xã hội có gốc từ gia đình. Vì thế hơn bao giờ hết trong công tác quản lý, xây dựng văn hóa cần phải đặc biệt chú trọng vấn đề văn hóa gia đình. Mọi người có được giáo dục tốt từ gia đình thì mới có thể có được ứng xử hay ngoài xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng vì điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khi xây dựng các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, các đơn vị, địa phương, cơ sở cần đưa ra tiêu chí cụ thể để tránh hình thức. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, khi đời sống văn hóa của nhân dân được làm tốt thì mới có thể tạo được môi trường sống lành mạnh, an toàn để Việt Nam ngày càng hấp dẫn, thu hút hơn.

QTƯX chính là nếp sống văn minh, văn hóa của mỗi người được thực hiện nền nếp ngay từ trong gia đình, nhà trường cho tới nơi làm việc, xã hội. Điều này, cần phải được thực hiện ngay từ khâu giáo dục, đào tạo để những ứng xử văn minh, hành động đẹp được thấm sâu trong nhận thức của mỗi cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm Hà Nội thực hiện quy tắc ứng xử: Để nếp sống văn minh không chỉ là lời nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.