Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nới lỏng” các quy định về hoạt động biểu diễn

Hoàng Lân| 02/04/2018 17:25

(HNMO) - Văn bản đề nghị xây dựng nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang được Bộ VH,TT&DL xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ.

Văn bản đề nghị xây dựng nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang được Bộ VH,TT&DL xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ. Văn bản nêu các vấn đề: Sự cần thiết ban hành nghị định; mục đích, quan điểm xây dựng nghị định; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của nghị định; mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng nghị định; dự kiến nguồn lực…

Người đẹp được “mở cửa” đi thi quốc tế

Với văn bản đề nghị này, việc cấp phép cho người đẹp dự thi quốc tế sẽ nới lỏng hơn, chỉ cần thí sinh lọt vào Top 10 một cuộc thi nhan sắc là đủ tiêu chuẩn.


Văn bản nêu rõ, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có tính sáng tạo, nhanh thay đổi và tiếp nhận cái mới, vì vậy một số quy định pháp luật hiện tại không còn phù hợp với thực tiễn đời sống, cần được sớm sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý giúp quản lý tốt hơn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Một số nội dung thực tiễn thời gian qua đã phát sinh nhưng bất cập gây bức xúc trong dư luận xã hội cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Vì thế, nhiều nội dung trong văn bản đề nghị này cũng cho thấy sự “nới lỏng” phần nào khâu cấp phép một số lĩnh vực trong hoạt động biểu diễn.

Cụ thể, ở lĩnh vực cấp phép các cuộc thi sắc đẹp cũng như cấp phép cho người đẹp dự thi quốc tế cho thấy sự “thông thoáng” hơn trong thủ tục. Theo quy định hiện nay, điều kiện và thủ tục cấp phép cho thí sinh Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là thí sinh đó phải đăng quang trong một cuộc thi nhan sắc trong nước. Điều kiện này đã nảy sinh bất cập vì trong bối cảnh hội nhập quốc tế, có nhiều người đẹp trong nước được mời tham dự nhưng không đủ điều kiện nêu trên nên đã “vượt rào thi chui”, dẫn đến việc không tuân thủ quy định pháp luật, phải nộp phạt vi phạm hành chính. 

Vì vậy, theo văn bản đề nghị, hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế cần được điều chỉnh phù hợp thực tiễn, theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng về số lượng thí sinh được tham dự các cuộc thi quốc tế nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Theo đó, điều kiện để thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế là chỉ cần nằm trong danh sách Top 10 thí sinh xuất sắc nhất của một cuộc thi trong nước.

Không cấp phép các bài hát đã quen thuộc

Văn bản đề nghị còn đề cập đến nhiều vấn đề được dư luận quan tâm của ngành nghệ thuật biểu diễn trong thời gian qua như việc cấp phép cho các ca khúc, bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép…

Hoạt động cấp phép phổ biến ca khúc thời gian qua có nhiều bất cập (ảnh minh hoạ).


Một trong những điểm đáng chú ý của văn bản này là chính sách quy định cụ thể các tác phẩm âm nhạc, sân khấu đã trở nên quen thuộc, được phổ biến trong thực tế và không có nội dung, ca từ trái với thuần phong, mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không phải cấp phép phổ biến.

Theo văn bản, trong thời gian vừa qua, đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý hoạt động này như việc cấp phép một số bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế có cần thiết hay không; danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi có phù hợp với thực tế hay không... Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần quy định lại nội dung quản lý đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu trong thời kỳ tới, cụ thể là bãi bỏ quy định về cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu nhằm mục tiêu như giải quyết các vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Với mục tiêu trên, Bộ đề nghị tiếp tục quy định nội dung tại Điều 29 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, quy định cụ thể các trường hợp không phải thực hiện thủ tục này trên cơ sở: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.

Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các ban, ngành và trình Chính phủ trong tháng 11-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nới lỏng” các quy định về hoạt động biểu diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.