Theo dõi Báo Hànộimới trên

60 nghệ sĩ cải lương 3 miền tham gia vở diễn “Thầy Ba Đợi”

Hoàng Lân| 19/04/2018 16:18

(HNMO) - Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Hình ảnh vở diễn Thầy Ba Đợi.


Ngày 19-4, ngành sân khấu cải lương Việt Nam công bố các hoạt động nhằm góp phần giúp công chúng nhìn lại chặng đường 100 năm hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Dự kiến, vào sáng 28-4, tại TP Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra Hội thảo khoa học "Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển".

Hội thảo sẽ có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ nhiều năm gắn bó với loại hình nghệ thuật này. BTC đã nhận được nhiều tham luận của các đơn vị đi sâu phân tích những góc độ khác nhau của tiến trình phát triển cải lương ở Việt Nam, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, định hướng phát triển cho nhiều năm tới.

Cũng trong dịp này, trong các tối 28-4 và 1-5, tại Nhà hát Bến Thành, TP Hồ Chí Minh và tối 29-4 tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, thành phố Tân An, tỉnh Long An, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An sẽ phối hợp công diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi".

Vở diễn do PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản văn học, chuyển thể cải lương là soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng, đạo diễn là NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Lê Trung Thảo. Vở diễn có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ tài danh 3 miền.

Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, nhân vật chính là thầy Ba Đợi (tên thường gọi của Nhạc quan, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương. Khi vua Hàm Nghi bị lưu đầy đi Châu Phi thì nhạc quan Nguyễn Quang Đại từ bỏ quan trường, mang bầu máu nóng theo phong trào Cần vương vào Phương Nam. Bằng chất liệu ban đầu của lễ nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca miền Trung, hát bội, dân ca Nam bộ, đờn ca tài tử… và còn tiếp thu cả nghệ thuật sân khấu kịch hiện đại của người Pháp thầy Ba Đợi đã tạo nên cải lương.

Vở diễn này sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn từ “cải lương”, vốn bắt nguồn từ câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, cải lương muốn tồn tại và phát triển, phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, hồn cốt dân tộc, nhưng cũng phải không ngừng đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
60 nghệ sĩ cải lương 3 miền tham gia vở diễn “Thầy Ba Đợi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.