Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi tiếp dòng chảy chân - thiện - mỹ

Yên Nga| 23/05/2018 06:54

LTS: Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) ngày 16-6-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã vạch ra đường hướng cơ bản để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý.

Phố sách Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) góp phần đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, bồi đắp văn hóa trong cộng đồng. Ảnh: Hải Anh


Bài 1: Hành trình nhiều dấu ấn


Hà Nội là Thủ đô, mảnh đất hội tụ tinh hoa bốn phương, có lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu nhất cả nước, trong đó có những tên tuổi hàng đầu. Bởi thế, đời sống văn học, nghệ thuật Hà Nội luôn khẳng định được vai trò, chất lượng, sự bắt nhịp nhanh với thời cuộc, theo sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Kim chỉ nam” cho sự phát triển

Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới” ra đời ngay trước thời điểm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Văn hóa Thủ đô có sự hòa chung của văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài, tạo nên sự đặc sắc, phong phú nhưng cũng ẩn chứa những thách thức nhất định. Những chỉ đạo và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 23, vì thế, đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động của văn hóa Thủ đô nói chung và VHNT Hà Nội nói riêng.

Xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết 23, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 31-10-2008 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XIV), gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 46-CT/TƯ ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư (khóa X) về ‘‘Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Thông báo Kết luận 213-TB/TƯ ngày 2-1-2009 của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT”; hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2011-2015 và 2016-2021...

Hà Nội có lợi thế là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội hiện có 3.400 hội viên. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, sự hội nhập mạnh mẽ của đất nước, mà Thủ đô luôn ở vị trí trung tâm, là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ, những người luôn có sự mẫn cảm với thời cuộc. Hơn nữa, được sự soi đường của Nghị quyết 23 và sự dẫn dắt, định hướng cụ thể của lãnh đạo thành phố, văn nghệ sĩ Thủ đô có thêm điều kiện phát huy tài năng, hăng hái thâm nhập cuộc sống, làm nảy nở ý tưởng sáng tạo có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.


10 năm qua, Hà Nội đã có thêm nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật được đầu tư quy mô lớn như Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Rạp Kim Đồng, Thư viện Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng… Đặc biệt, Phố sách Hà Nội được mở tại phố 19 tháng 12 (quận Hoàn Kiếm) và hai không gian đi bộ của Thủ đô được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố Trịnh Công Sơn (hồ Tây), góp phần đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, học tập, trao đổi, hưởng thụ, nâng cao hiểu biết, trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống. Đó chính là những “đường dẫn” quan trọng kết nối văn nghệ sĩ với khán giả, là tiền đề cho văn nghệ sĩ sáng tạo.

Chuyển động tích cực

Vở xiếc “Làng tôi” gây tiếng vang lớn tại các nước Châu Âu.


Để thấy được sự chuyển biến của VHNT Thủ đô trong 10 năm qua, cần phải nhìn vào những thành tựu sáng tác và phổ biến tác phẩm, bởi đó chính là nhân tố thể hiện sự phát triển. So với trước khi Nghị quyết 23 được ban hành, điều quan trọng là câu chuyện về sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã được giới văn nghệ sĩ giải quyết khá nhuần nhị, tạo nên một hành trình nhiều dấu ấn.

Trong lĩnh vực văn học, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ kỳ cựu vẫn hăng say đóng góp như Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải…, nhiều cây bút trẻ có thành công đáng chú ý. Bằng những trang viết sống động, họ đã thể hiện dáng hình Hà Nội đổi mới hôm nay, như “Cửa hiệu giặt là” - cuốn sách nhỏ chứa đựng cả một Hà Nội đương thời của nhà văn Đỗ Bích Thúy…

Với âm nhạc, chúng ta có lớp nghệ sĩ mới tài năng vươn tầm quốc tế, như: Lưu Hồng Quang, Lưu Đức Anh (piano), Trần Lê Quang Tiến (violon), Ninh Đức Hoàng Long, Phương Mai, Tùng Lâm (thính phòng)… Những năm gần đây, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã đưa âm nhạc Việt du ngoạn khắp thế giới; nhạc sĩ Quốc Trung đưa Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” trở thành thương hiệu nghệ thuật đặc sắc của Hà Nội. Cũng phải kể công nhóm Xẩm Hà thành đã táo bạo đưa xẩm vào Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng tác và phổ biến những tác phẩm mang tính thời sự về biển, đảo, văn hóa giao thông… Dấu ấn âm nhạc thể hiện trong các tuyến phố chợ đêm trong khu phố cổ và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm với những màn diễn xướng ấn tượng, hấp dẫn du khách về chèo, ca trù, dân ca quan họ... của các nghệ nhân.

Nghệ thuật biểu diễn Thủ đô cũng có bước tiến dài trong 10 năm qua. Vở xiếc “Làng tôi” tái hiện không gian nông thôn Việt chu du suốt 3 năm tại Châu Âu, trở về Hà Nội với những suất diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn. Show diễn đương đại “Ionah” hiển hiện một Hà Nội với cầu Long Biên, hồ Hoàn Kiếm và những con người Thủ đô năng động trong không gian biểu diễn hiện đại… Những lễ hội áo dài, trình diễn trang phục truyền thống ứng dụng trong cuộc sống được tổ chức liên tục, tạo nên trào lưu mặc áo dài truyền thống trong nhiều năm qua. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có thêm nhiều triển lãm, sáng tác chất lượng, gắn liền với sự đổi thay hằng ngày của Thủ đô và đất nước…

Vấn đề là với những dấu ấn nói trên, liệu văn nghệ sĩ và nhà quản lý VHNT Hà Nội đã có thể tự hài lòng?

Nghị quyết 23 đặt ra 3 mục tiêu quan trọng. Một là, tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân... Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc... Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực VHNT trong thời kỳ mới.


(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi tiếp dòng chảy chân - thiện - mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.