Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Giảm thủ tục rườm rà trong việc tu bổ, tôn tạo di tích

Hoàng Lân| 01/06/2018 15:34

(HNMO) - Đây là một trong những nội dung được đề cập tại hội nghị tổng kết công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội do Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội tổ chức sáng 1-6.


Hà Nội có hơn 200 di tích cần tu bổ, tôn tạo

Theo kết quả tổng kiểm kê di tích tính đến tháng 12-2015, TP Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 1 di tích xếp hạng Di sản thế giới; 11 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích xếp hạng Quốc gia; 1.202 di tích xếp hạng thành phố. Trong số này, có 3.487 di tích chưa xếp hạng. TP Hà Nội dự kiến số lượng di tích xếp hạng trong năm 2018 là khoảng 70 di tích.

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội cần được bảo tồn, tôn tạo (Làng cổ Đường Lâm).


Trong số những di tích đã được xếp hạng, tính đến tháng 10-2017, Sở VH-TT Hà Nội rà soát được 2.467 di tích, trong đó số di tích sử dụng đất đúng mục đích là 1.964 di tích, số sử dụng sai mục đích là 11; số di tích sử dụng kiến trúc đúng mục đích là 1.651 di tích, số sử dụng sai là 191 di tích… Thời điểm này, Hà Nội có hơn 200 di tích xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo.

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo. Mặc dù, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa để tu bổ nhưng không đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Báo cáo thực hiện Kế hoạch 120/KH-UBND ngày 1-6-2017 của UBND TP Hà Nội nêu rõ, tính đến hết quý I-2018, tổng số di tích đang triển khai lập hồ sơ chống xuống là 23 di tích, số lượng di tích trình chủ trương lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) là 17 di tích, số lượng di tích trình chủ trương lập báo cáo tu sửa cấp thiết là 6 di tích, số lượng di tích trình thẩm định dự án hoặc thiết kế bản vẽ thi công là 20 di tích. Bên cạnh đó, số di tích lập quy hoạch tổng thể là 3 di tích: Chùa Thầy, chùa Tây Phương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cùng với thời gian, vấn đề cấp thiết trong việc bảo vệ, tôn tạo các di tích bị xuống cấp đang đặt ra cho Hà Nội nhiều vấn đề nhức nhối. Một trong những khó khăn khiến nhiều địa phương loay hoay trong việc này đó là thiếu kinh phí và thủ tục đăng ký, lập hồ sơ xin tu bổ, tôn tạo rườm rà.

“Nóng” về thủ tục tu bổ di tích

Tại hội nghị, nhiều vấn đề “nóng” trong tu bổ, tôn tạo, quy hoạch di tích đã được các đơn vị, sở ngành "xới" lên.

Theo đại diện huyện Thường Tín, vì chưa có thủ tục hành chính hướng dẫn việc làm hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích nên khi địa phương thực hiện có nhiều bất cấp, mất nhiều thời gian trong việc chỉnh sửa hồ sơ. Đồng ý với ý kiến này, đại diện Phòng Văn hóa thị xã Sơn Tây cho rằng, hiện nay ngay cả việc thẩm định hồ sơ tu bổ di tích không thống nhất, lúc được giao cho Phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Hà Nội), lúc lại là Ban Quản lý di tích - danh thắng.

Chưa kể, với quy định hiện nay, việc xin phép tu bổ, tôn tạo di tích phải mất vài tháng để thực hiện đủ các bước như xin chủ trương, thành lập tổ tu bổ, lập hồ sơ gửi về Sở VH-TT xin ý kiến rồi địa phương mới có thể làm được. Có khi xin chủ trương từ đầu năm đến khi được phép thực hiện thì lại vào mùa mưa bão.

Sở VH-TT Hà Nội họp tổng kết đánh giá việc thực hiện quản lý di tích tại Hà Nội.


Một vấn đề nữa được đưa ra tại cuộc họp là kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích gặp không ít khó khăn. Nhiều nơi, người dân hoàn toàn bỏ tiền đóng góp để thực hiện tu bổ lại di tích. Chưa kể, với nguồn kinh phí hạn hẹp như vậy, việc tu bổ như thế nào để thỏa đáng để bảo đảm di tích vẫn giữ được nguyên giá trị mà vẫn không quá tốn kém cũng là câu hỏi lớn.

Về vấn đề này, đại diện huyện Thường Tín xin ý kiến lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội cho phép đối với di tích còn nguyên kiến trúc thì phải bảo đảm giữ gìn theo đúng Luật di sản, nhưng đối với những di tích chỉ có giá trị lịch sử mà đã bị phá vỡ kiến trúc bởi thời gian, chiến tranh thì cho phép bê tông hóa để giảm giá thành.

“Nếu di tích nào cũng yêu cầu phải làm bằng gỗ thì sẽ không thể làm được vì liên quan đến việc tìm nguồn gỗ và đến kinh phí”, đại diện huyện Thường Tín cho biết.

Trước những vấn đề “nóng” được cho là điểm cốt lõi trong khó khăn khi tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích tại Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, trước mắt Sở VH-TT giao cho Ban Quản lý Di tích danh thắng sớm hoàn thiện và ban hành thủ tục hành chính về vấn đề này để giảm những thủ tục rườm rà khi đăng ký cho các địa phương, đơn vị.

Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã lập danh mục di tích tu bổ tôn tạo giai đoạn 2018-2020. Trong đó, danh mục được phân chia theo nguồn đề nghị từ ngân sách xây dựng cơ bản thành phố, ngân sách sự nghiệp thành phố, nguồn từ ngân sách quận, huyện đầu tư, nguồn từ ngân sách quận, huyện đối ứng (bao gồm cả nguồn xã hội hóa).

Trong thời gian tiếp theo, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Thành phố xem xét, bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt (theo hạng mục ưu tiên), hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích cấp quốc gia (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng).

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ sửa chữa, tu sửa cấp thiết để chống đỡ, gia cố tạm thời hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại đối với các di tích xuống cấp nặng do cấp huyện quản lý.

Các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí do cấp mình quản lý và đối ứng kinh phí với di tích được hỗ trợ từ ngân sách thành phố, trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giảm thủ tục rườm rà trong việc tu bổ, tôn tạo di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.