Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục lịch sử, di sản cho trẻ: Hiệu quả từ cách làm mới

Hoàng Lân| 14/06/2018 17:55

(HNMO) - Gần đây, nhiều di tích, di sản tại Hà Nội đã có những chương trình học tập, trải nghiệm được xem là cách giáo dục, hướng dẫn trẻ em tìm hiểu lịch sử, văn hoá cội nguồn dân tộc khá hiệu quả.

Chuỗi chương trình “Sĩ tử nhí” với nhiều hoạt động trải nghiệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Học mà chơi

Trước việc thiếu sân chơi giáo dục cho trẻ em, gần đây, nhiều di tích, bảo tàng của Hà Nội tổ chức các hoạt động trải nghiệm học mà chơi, hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức tìm hiểu văn hoá, lịch sử. Những hoạt động này được rất nhiều phụ huynh quan tâm và thu hút khá nhiều trẻ em tham gia. Điều quan trọng, các hoạt động này đã mở ra phương pháp mới trong việc giáo dục lịch sử, di sản tới công chúng, đặc biệt là với lớp trẻ.

Chuỗi hoạt động hè “Sĩ tử nhí” được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai trương từ đầu tháng 6 tại khu vực Hồ Văn đã ít nhiều mang đến những trải nghiệm cho thiếu nhi. Lần đầu tiên, Văn Miếu tổ chức chuỗi hoạt động hè mang tính trải nghiệm cho thiếu nhi kéo dài gần 3 tháng (từ 1-6-2018 đến 20-8-2018) nhằm tạo sân chơi cho trẻ em, đồng thời giáo dục trẻ em biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống. Đến với không gian này, thiếu nhi vừa được trải nghiệm truyền thống nhưng cũng được thỏa sức sáng tạo, chơi mà học, từ làm giấy dó, sáng tác truyện, vẽ tranh, học làm gốm đến chế tác điêu khắc, học nấu ăn, thả đèn chữ… Hay với trò chơi “Lều chõng”, người tham dự có cơ hội thể hiện sự hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời xưa.

Hoạt động “Em tập làm thuyết minh” tại Di tích Nhà tù Hoả Lò.


Trước đó, vào năm 2017, một loạt di tích tổ chức các hoạt động giáo dục hè tạo hiệu ứng tốt trong dư luận. Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thí điểm thực hiện đề án xây dựng khung chương trình giáo dục di sản văn hóa. Thay vì nghe những bài thuyết minh khô khan, học sinh được tham gia các chủ đề như "Khám phá kiến trúc Khuê Văn Các", "Mãnh hổ hạ sơn", "Lớp học xưa"... Qua đó, các em có thể khám phá vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa, lịch sử thông qua các hoạt động như: vẽ, sưu tầm tranh, nặn tượng, sáng tác vè…

Cũng với tiêu chí tạo sân chơi giáo dục di sản cho thiếu nhi, năm 2017, Di tích Nhà tù Hoả Lò gây tiếng vang với hoạt động “Em tập làm thuyết minh”. Chương trình giúp cho thiếu nhi hiểu thêm những câu chuyện lịch sử, những anh hùng dân tộc từng bị bắt giam tại đây, như câu chuyện về “Cuộc vượt ngục đêm Noel năm 1932”, hay câu chuyện về cây bàng - “nhân chứng” lịch sử của Nhà tù Hoả Lò, gắn bó với cuộc sống của nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại đây…

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long lại tạo hiệu ứng với chương trình "Em làm nhà khảo cổ". Hoạt động này được tổ chức từ nhiều năm nay và tiếp tục duy trì trong năm 2018, nhằm giúp học sinh tiếp cận với khảo cổ, những hiện vật cổ xưa. Hiệu ứng từ chương trình có sức lan toả mạnh mẽ, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục di sản, lịch sử trong học đường.

Cần duy trì thường xuyên

Xã hội càng phát triển, mối quan tâm dành cho thiếu nhi càng được các bậc phụ huynh chú trọng hơn. Dịp hè là khoảng thời gian các ông bố, bà mẹ muốn tìm kiếm những không gian vui chơi bổ ích cho con em mình để trẻ vừa được chơi, vừa được học, khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hoá. Nhiều trại hè dành cho trẻ em “mọc lên” với những lời chào gọi hấp dẫn nhưng nặng về tính thương mại. Bởi thế, việc tổ chức những sân chơi giáo dục di sản phần nào giúp giải toả được “bài toán” tìm địa chỉ hấp dẫn cho thiếu nhi trong dịp hè. Tuy có nhiều nỗ lực, cố gắng trong cải tiến hình thức, ít nhiều tạo sự chuyển biến mới trong giáo dục di sản nhưng công việc này vẫn đang là “bài toán” để các di tích, bảo tàng tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn.


Hoạt động "Em tập làm khảo cổ" tại Hoàng thành Thăng Long.


TS Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm “Cánh buồm”, người có kinh nghiệm về tính tương tác trong giáo dục di sản từng nhận định: Giáo dục di sản gần đây có nhiều chuyển biến với hình thức mới, thu hút được lớp trẻ, trong đó có thiếu nhi. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn có những hạn chế, chưa thật sự lan toả rộng. Nguyên nhân là phía di tích, bảo tàng chưa có những nội dung dành riêng cho đối tượng tham quan là học sinh nói riêng cũng như giới trẻ nói chung. Khi học sinh đến bảo tàng hoặc di tích nào đó, cơ hội tương tác là không nhiều, vì thế mà các em, đặc biệt là học sinh tiểu học, không tha thiết quay trở lại.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám bày tỏ, việc giáo dục kiến thức lịch sử, di sản tới giới trẻ là hoạt động quan trọng, bởi lẽ, có hiểu biết về di sản thì giới trẻ mới yêu và có ý thức gìn giữ di sản. Tuy nhiên, cái khó là việc phân tách độ tuổi để có chương trình phù hợp. Đối tượng tiểu học sẽ có nhu cầu và khả năng khám phá khác độ tuổi THCS, đại học. Trẻ em thường thích những hoạt động khám phá qua các trò chơi dân gian, sáng tạo; đối tượng lớn hơn có thể tham gia những hoạt động mang tính chất đố vui, khám phá kiến thức... Vì vậy, Trung tâm luôn có những chương trình khác nhau dành cho các độ tuổi.

Những năm gần đây, hoạt động giáo dục lịch sử, di sản cho giới trẻ được quan tâm hơn và được nhiều đơn vị thực hiện với các hình thức hấp dẫn, gần gũi. Điều này đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của giới trẻ về lịch sử và di sản của dân tộc. Tuy nhiên, đây là hoạt động mang tính lâu dài, không thể “ăn xổi”, chỉ tổ chức một hai lần rồi thôi, mà cần sự đầu tư, tổ chức “dài hơi” của các đơn vị quản lý. Bởi suy cho cùng, công tác giáo dục cần sự kiên trì, không ngừng đổi mới thì mới mong tạo được hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục lịch sử, di sản cho trẻ: Hiệu quả từ cách làm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.