Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Đã có tín hiệu vui!

Hoàng Lân| 20/09/2018 10:24

(HNMO) – Tối 19-9, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 bế mạc trong niềm hân hoan của các nghệ sĩ cải lương các miền hội tụ. Nghệ thuật cải lương truyền thống vốn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức đã có thêm những tín hiệu vui, báo hiệu cho sự khởi sắc trong tương lai.

Nhận diện cải lương trong thời đại mới

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 với 32 vở của 25 đơn vị, diễn ra trong 15 ngày được xem là ngày hội của những người làm nghệ thuật truyền thống. Trong số 25 đơn vị tham dự Liên hoan lần này, có 17 đơn vị nghệ thuật công lập, còn lại là 8 đơn vị được tổ chức hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Năm nay, với việc mở rộng thêm đối tượng dự thi, trao thêm cơ hội cho những đơn vị ngoài công lập nên Ban giám khảo còn tổ chức các buổi thẩm định, chấm thi ở cả TP Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là nét mới của Liên hoan so với các kỳ tổ chức trước đây.

Một số vở diễn được đánh giá là có đầu tư tại Liên hoan


Qua Liên hoan, nhiều vấn đề của sân khấu được bộc lộ, phản ánh đúng thực trạng của nghệ thuật cải lương nước nhà. Theo NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đánh giá, việc thiếu kịch bản hay là một trong những hạn chế của các đơn vị tham gia Liên hoan. Các đoàn cải lương vẫn quẩn quanh một số kịch bản đã cũ được chuyển thể lại, chưa có kịch bản mới và hay. Nhiều kịch bản viết về quá trình diễn biến, phát triển tâm lý con người trong xã hội và đời sống đương đại còn thiếu sự hợp lý, sự giản dị tự nhiên.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đánh giá, một thực tế đáng buồn nhìn từ Liên hoan, đó là thiếu đội ngũ sáng tạo trẻ. Sự khó khăn của nghệ thuật cải lương hiện nay đã phần nào khiến cho đội ngũ sáng tạo mới kém say mê với nghề, dẫn đến sự thiếu gắn kết giữa đạo diễn, diễn viên và dàn dựng sân khấu.

“Có diễn viên gánh vai quá sức, ca lỗi nhịp, thiếu màu, chưa tròn vành rõ chữ. Vẫn có một số nghệ sĩ mắc những lỗi cơ bản như không thuộc lời thoại và ca từ, phản cảm nhất là khán giả nghe thấy cả tiếng nhắc tuồng từ 2 bên cánh gà vọng xuống khán phòng; có diễn viên không bật mic hoặc bật một cách tùy tiện; có diễn viên lại để rơi râu, rơi mũ, tạo hình thiếu ý thức thẩm mỹ…”, NSƯT Lê Chức nhận xét.

Chương trình biểu diễn trong Bế mạc liên hoan


Dù vậy, Liên hoan cũng le lói những tín hiệu vui, nhiều đoàn nghệ thuật gặp khó khăn về kinh tế, nhân lực nhưng vẫn cố gắng tham gia, dàn dựng các vở diễn mới. NSƯT Lê Chức đánh giá, do không khống chế nên đề tài và nội dung nên các vở diễn khá đa dạng, bao gồm đề tài chiến tranh cách mạng, các vấn đề xã hội và gia đình, xây dựng Đảng, nông thôn mới… Các tác phẩm đã phản ánh nhiều mặt của cuộc sống, từ xa xưa cho đến hôm nay.

Một số vở diễn còn đầu tư rất công phu, sử dụng màn hình led để mở rộng không gian, tăng thêm yếu tố minh họa, đa dạng trong phong cách trang trí. Điều này cho thấy những chuyển mình tích cực của các đơn vị nghệ thuật trong việc nâng cấp cải lương thành một sản phẩm nghệ thuật, đáp ứng cả yếu tố giải trí của khán giả.

Khích lệ để tìm hướng đi

Mặc dù vẫn còn nhiều điều còn băn khoăn, trăn trở từ liên hoan, Ban giám khảo và Ban tổ chức vẫn quyết định trao những giải thưởng lớn cho các cá nhân, vở diễn nhằm động viên những nỗ lực của các nghệ sĩ trong bối cảnh nghệ thuật cải lương còn gặp nhiều khó khăn.

Ban tổ chức đã trao 49 Huy chương vàng, 66 Huy chương bạc cho cá nhân các nghệ sĩ. Trong số 32 vở, có 6 vở diễn đã được trao Huy chương vàng, đó là: “Chiếc áo thiên nga” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Kiếp tằm” (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), “Tổ quốc nơi cuối con đường” (Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh), “Hiu hiu gió bấc” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), “Cuộc đời của mẹ” (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), “Bão táp một vương triều” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai).

BTC trao giải cho các đơn vị, nghệ sĩ tham gia.


7 vở diễn đạt Huy chương bạc: “Phù sa đỏ” (Đoàn Văn công Quân khu 9), “Hồn của đá” (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), “Những tấm lòng vàng” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Bão dậy trời Long Hưng” (Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang), “Cánh buồm ngược gió” (Nhà hát Tây Đô), “Người đồng bằng” (Đoàn Văn công Đồng Tháp), “Nỗi niềm sau cuộc chiến” (Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Cà Mau).

Bên cạnh đó Liên hoan cũng vinh danh các cá nhân xuất sắc. Bao gồm, tác giả xuất sắc: Hoàng Song Việt - NSƯT Triệu Trung Kiên với vở diễn “Cuộc đời của mẹ” (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An); Đạo diễn xuất sắc: NSND Hoàng Quỳnh Mai với vở diễn “Chiếc áo thiên nga” – Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhạc sĩ xuất sắc: Minh Tâm với vở diễn “Hiu hiu gió bấc” – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Họa sĩ xuất sắc: Trần Hồng Vân với vở diễn “Tình yêu thời chiến” – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Trong Lễ bế mạc, nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương tài danh còn gặp gỡ, giao lưu và biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Tài danh hội tụ”. Khán giả được thưởng thức các tiết mục ca cổ, tân cổ giao duyên đặc sắc do nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc thể hiện: NSND Thanh Hương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quế Trân, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Hồng Thắm…

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 đã khép lại với niềm vui và cả những trăn trở của người trong nghề. Nghệ thuật cải lương Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức của việc bảo tồn và đổi mới, phát triển. Để vượt qua những khó khăn ấy, sự yêu nghề thôi chưa đủ mà còn cần sự nỗ lực, dám sáng tạo và đổi mới tư duy của các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018: Đã có tín hiệu vui!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.